Đặt vấn đề
Hòa Vang là một tác giả có phong cách độc đáo trên văn đàn Việt Nam sau giai đoạn đổi mới. Nhiều truyện ngắn của ông như “Sự tích những ngày đẹp trời”, “Nhân sứ”, “Bụt mệt”, “Sự tích con lợn ống tiền”,… mang màu sắc huyền thoại, cổ tích đã góp phần tạo nên dòng văn học giải huyền thoại- một xu hướng sáng tác mới khi tác giả nhìn nhận lại và phản tư với những điều vẫn luôn được công nhận như chân lí. Bài viết này sẽ phân tích ngôn từ nghệ thuật của truyện ngắn được coi là thành công nhất của “hồn văn cổ tích” trong dòng văn học giải huyền thoại này- truyện ngắn “Sự tích những ngày đẹp trời”.
Triển khai vấn đề
- Ngôn ngữ trần thuật mang tính trữ tình, diễm ảo
“Sự tích những ngày đẹp trời” được phát triển từ truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh xoay quanh 3 nhân vật chính Sơn Tinh, Thủy Tinh và Mị Nương. Truyền thuyết gốc ban đầu tiết chế trong việc miêu tả nhân vật, tập trung chủ yếu vào những phân đoạn miêu tả cuộc giao tranh ác liệt giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh để tái hiện sự dữ dội và sức tàn phá của thiên tai lũ lụt và công cuộc chế ngự thiên tai của nhân dân ta. Những phân đoạn miêu tả ngoại hình, hành động cũng chỉ để làm nổi bật chức năng của nhân vật, cũng bởi sự quy định của thi pháp nhân vật trong truyện dân gian- kiểu nhân vật chức năng.
Đến truyện ngắn “Sự tích những ngày đẹp trời”, Hòa Vang khai thác câu chuyện trên phương diện mới- chủ đề tình yêu. Từ góc nhìn mới, Hoà Vang mang lại ánh sáng lung linh cho cốt truyện mới bằng lời kể giàu chất thơ, giàu cảm hứng lãng mạn. Ông không ngại ngần dùng lối nói du dương, những câu văn vần điệu có khả năng hồi sinh tư duy lãng mạn, hồn nhiên của người đọc, đưa họ về với tuổi hoa niên, yêu và xúc động trước “những lời có cánh” như mạch nước trong ngần, róc rách, mát lành... Nhiều câu văn, đoạn văn miêu tả đậm tính trữ tình, gợi cảm: “Mị Nương đã thầm lặng, riêng tư theo lời ấy. Và đó chính là nguồn gốc của những giọt mưa thu thánh thót ngoài hiên, đem cái se lạnh gợi nhớ để tôn thêm giá trị cái ấm áp của nhữn g ai đang trong khuôn cửa. Độ phong sương trong vắt của tiết giao mùa kề bên mái ấm, thế thôi”; “Biển mênh mông, xanh thắm đến tận mí trời, cợn lên những cụm hoa trắng muốt, trải đến tận bờ đón ngọn gió nhỏ. Những tiếng rì rào, khe khẽ, lặn vào tịch mịch vô biên”...
Sự diễm ảo trong ngôn ngữ trần thuật còn đến từ những đoạn miêu tả ngoại hình Mị Nương gợi cảm: “Cái mát tinh khôi thấm vào da thịt”, “nước vờn liếm quanh bàn chân đỏ dậy của mình”, “Ngấn nước vừa chớm chạm ngực thì”,… Ngôn ngữ mạnh bạo, tự nhiên và mang màu sắc nhục cảm thể hiện sự đổi mới trong quan niệm về con người sau 1986. Hòa Vang nhìn nhận lại nhân vật của mình, dù là nhân vật trong truyền thuyết, bằng cái nhìn trần thế với đầy đủ cung bậc cảm xúc riêng tư và bản năng. Có những đoạn ông miêu tả cảnh Thủy Tinh hóa hình ôm Mị Nương trong lòng suối đầy say mê, cuồng nhiệt “dòng suối đang ôm xiết vuốt ve lấy thân thể nàng là một đôi tay cường tráng mà đắm đuối, dịu dàn g của một da thịt, một con người”.
Sự diễm ảo còn được thể hiện qua những chi tiết kì ảo. Đó là sự biến hóa hình dạng mang màu sắc huyền thoại của Thủy Tinh khi gặp Mị Nương “Những giọt nước tí xíu vẫn đang trôi bịn rịn trên da thịt nàng, trước khi tuột hẳn, nhập lại vào dòng suối. Những giọt nước ấy ánh sắc hồng ngọc, dần tụ lại và đột khởi, trong không gian tĩnh lặng, như dội cả dòng suối lên. Nước suối cuộn sóng, dựng đứng lên, thành một chàng trai tuyệt vời đẹp và buồn.”. Đó cũng có thể là sự diễm ảo trong cách giao lưu tinh thần giữa Mị Nương và Thủy Tinh ở cuối truyện “Chỉ riêng Mỵ Nương nghe thấu tiếng sóng ngậm trong các thớ vách gỗ ấy.” và “Có một ngọn gió thơm mát, không từ ngoài trời thổi vào, mà vừa từ trong phòng riêng này cộn lên và bay qua cửa sổ, tung tăng bay đi, chạy đi” - ngọn gió ấy chính là Mị Nương đấy. Yếu tố huyền ảo được tận dụng để tạo nên một cái kết bất ngờ- như một sự bù đắp cho tình yêu nồng nhiệt, chân thành của Thủy Tinh và trái tim tươi trẻ khao khát yêu thương của Mị Nương.
Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong Sự tích những ngày đẹp trời của Hòa Vang phần 2