Không gian và thời gian trong truyện ngắn Muối của rừng
Không gian trong truyện ngắn Muối của rừng
Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Nó là một hiện tượng nghệ thuật, một phạm trù nghệ thuật, là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm thể hiện quan niệm về thế giới.
Khác với trong các thể loại văn xuôi tự sự khác, nếu ở tiểu thuyết hay truyện dài thường có sự thay đổi đa dạng trong không gian thì ở truyện ngắn, nhà văn thường tập trung trong một vùng không gian có ý nghĩa với nhân vật. Trong Muối của rừng, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo dựng nên một không gian xuyên suốt toàn truyện, đó là không gian của khu rừng. Toàn bộ cuộc đuổi bắt, truy lùng và cứu rỗi đều được diễn ra trong phạm vi khu rừng ấy. Không gian trong truyện được mở ra với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp “Cây cối đều nhú lộc non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng, vừa tình cảm”. Đó cũng chính là không gian của tự nhiên, tách biệt hoàn toàn với những sự đổi thay văn minh của con người ở bên ngoài. Trong không gian thuần hậu đó, con người được trở về với chính mình, sống với những bản năng vốn có và cũng chỉ khi trở về với trạng thái nguyên bản, con người mới có thể hòa nhập và tận hưởng vẻ đẹp của nó.
Không gian trong truyện không đơn thuần chỉ là nơi diễn ra sự việc mà nó luôn mang một ý nghĩa hàm chứa trong đó. Ở đây, khu rừng là khởi nguồn của tự nhiên, đồng thời nó cũng chính là nơi kéo con người về với những giá trị gốc. Mặt khác, nó là nguồn cội và cũng là nơi để con người tìm về khi rũ bỏ được những ảo tưởng nhất thời mà xã hội văn minh đem lại.
Thời gian trong truyện ngắn Muối của rừng
Cùng với không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật cũng là một sáng tạo của người nghệ sĩ. Thời gian nghệ thuật là phạm trù nghệ thuật, là một hình tượng nghệ thuật, là phương thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Thời gian trong truyện ngắn không có sự trải dài mà chỉ tập trung trong một khoảnh khắc có ý nghĩa với nhân vật. Ta không bắt gặp trong truyện cuộc đời của ông Diểu hay nguồn gốc của cái “thú vui đê tiện” mà ông có. Tất cả những gì tác giả xoay quanh và xoáy sâu chỉ là một khoảnh khắc nhỏ trong cuộc đời của nhân vật.
Thời gian trong tác phẩm là một cuộc đi săn đầu năm của nhân vật Diểu. Mặt khác, diễn tiến cuộc đi săn đó cũng chính là quá trình nhận thức của con người về vị trí, cách đối xử của mình trong mối quan hệ với thiên nhiên. Truyện bắt đầu với lí do ông Diểu quyết định đi săn, để chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi đó ông đã sắm đồ cẩn thận và lên đường tìm đến khu rừng quen thuộc. Toàn bộ truyện được trải dài theo quá trình từ lúc ông đi tìm mục tiêu, tới khi tìm thấy con khỉ đầu đàn, bắn trúng nó, chứng kiến sự bảo vệ của gia đình khỉ, truy lùng chúng và kết thúc bằng việc trở về tay trắng. Cả chuyến đi đó thực tế chỉ diễn ra trong vòng một ngày, khi cơn mưa xuân vẫn còn đó, song, đọc tác phẩm, ta thấy thời gian không còn nằm ở phương diện vật lí mà trở thành thời gian tâm lí. Nó trở nên dài hơn bởi những giây phút tĩnh lặng khi săn mồi, hay do những cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt giữa việc cứu hay bắt miếng mồi ngon trước mắt. Đặc biệt, có thể thấy cuộc đi săn được miêu tả một cách rất gấp gáp với liên tiếp các hoạt động diễn ra không ngừng nghỉ, thế nhưng trong giây phút khi con người tận hưởng thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên, thời gian như ngưng đọng “Ông Diểu ngồi im dễ đến nửa giờ … Sự tĩnh lặng bình thản của rừng xuyên suốt qua ông”.
Đọc tiếp: Muối của rừng dưới góc độ thi pháp thể loại truyện ngắn phần 5