Muối của rừng dưới góc độ thi pháp thể loại truyện ngắn phần 5

Muối của rừng dưới góc độ thi pháp thể loại truyện ngắn phần 5

Bởi Học văn cô Hà Huyền 04/11/2024

Nhân vật trong truyên ngắn Muối của rừng

Con người trong truyện ngắn Muối của rừng

“Nhân vật trong tác phẩm văn học là những con người hay những sự vật mang cốt cách của con người được xây bằng các phương tiện của nghệ thuật ngôn từ” [2;77]. Nói cách khác, nhân vật chính là cách thức thể hiện rõ ràng nhất cho quan niệm của nhà văn về con người.

Trong tác phẩm Muối của rừng, ông Diểu là một điển hình cho sự tác động tới thiên nhiên và chống lại tự nhiên. Ông Diểu là một thợ săn lành nghề, ông đã có kinh nghiệm trong việc săn bắt dù đó chỉ là một thú vui trong cuộc sống của ông. Người kể không giới thiệu về nguồn gốc hay hoàn cảnh xuất thân của nhân vật, thế nhưng người đọc vẫn có thể nhận thấy được sự điêu luyện của nhân vật thông qua việc chuẩn bị kĩ càng cho chuyến đi săn đến mức thành thạo “Ông nai nịt, mặc quần áo ấm, đội mũ lông và dận đôi giày cao cổ. Để cho cẩn thận, ông còn mang theo cả nắm xôi nếp”. Đây không phải là chuyến đi săn đầu tiên của ông bởi mọi sự chuẩn bị cho thấy ông đã quá quen với “thú vui đê tiện” này. Thậm chí, ông còn cẩn thận chọn đường đi và lựa loài để săn một cách chuyên nghiệp khi quyết định không bắn những con chim xanh vì “phí đạn” mà đi săn khỉ bởi cho rằng nó “Chắc ăn hơn mà đỡ tốn sức”. Bên cạnh việc chuẩn bị cho chuyến đi săn, trong từng suy nghĩ và hành động cũng cho thấy với ông Diểu, việc đi săn thật sự đem lại cảm giác lí thú. Nhắm được mục tiêu phải săn bằng được con khỉ đầu đàn, ông liền lên kế hoạch và “ngồi im đến nửa giờ” chỉ để đợi nó xuất hiện.

Để là một thợ săn chuyên nghiệp đến vậy, ông Diểu hoàn toàn có đủ kiến thức và sự hiểu biết về đặc tính của loài cũng như quy luật của thiên nhiên. Đôi lúc, con người ấy cũng dành cho tự nhiên một sự thán phục, ngưỡng mộ. Ông thán phục vì sự dẻo dai, nhanh nhẹn của con khỉ đầu đàn nhưng lại lấy chính điều đó làm lí do để bao biện cho sự ích kỉ của bản thân mình. Một điều nghịch lí là chính con người hiểu rõ về tự nhiên ấy lại cũng là người muốn phá hủy, tác động tới tự nhiên nhiều nhất, thiên nhiên không còn là môi trường sống tươi đẹp hay bạn với con người mà nó đã trở thành một nguồn lợi để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Điều xót xa hơn hết chính bởi việc đi săn của ông Diểu không xuất phát từ nhu cầu sinh tồn bản năng mà nó lại đến từ mong muốn giải trí cá nhân, lấy việc tước đi sự sống của sinh vật khác để làm trò vui tiêu khiển nhân dịp “thằng con học ở nước ngoài gửi về biếu ông khẩu súng hai nòng”.

Trong con mắt của kẻ đi săn, thiên nhiên ấy không còn là nguyên bản mà nó trở thành một xã hội thu nhỏ, được soi chiếu dưới lăng kính của con người, nơi mà một người như ông Diểu có thể cảm thấy được thành tựu khi tự gán lên con vật vô tội những cái danh như “Cái thằng bố ô trọc ấy! Đồ phong tình phóng đãng! Vị gia trưởng cộc cằn! Nhà lập pháp bẩn thỉu! Tên bạo chúa khốn nạn!” và cho mình quyền xử tội những kẻ đó. Mặt khác, ông Diểu và những kẻ đi săn để mua vui ấy đem toàn bộ sự phẫn nộ và bất lực trút lên thiên nhiên vô tội chỉ để thỏa mãn cho chính mình, để thấy mình như một bậc đế vương, nắm trong tay quyền sinh quyền sát với muôn thú. Bên cạnh sự chán ghét, khinh bỉ những kẻ đứng đầu, ông còn nghi ngờ những giá trị đạo đức trong cuộc sống văn minh và tự nhận định rằng thế giới tự nhiên cũng vậy. Ông không còn tin vào cái gọi là sự cao thượng từ hành đồng của con khỉ cái bởi với ông, một người đã thiếu đi niềm tin vào những giá trị nhân đạo, đó chỉ là sự giả tạo đáng căm ghét. Dù tiếp cận với nền văn minh hiện đại, với cuộc sống tân tiến nhưng trong suy nghĩ của nhân vật vẫn mang những định kiến xưa cũ khi cho rằng “giống cái bao giờ cũng dễ phân tâm … Với giống cái thì thân thể mình là quan trọng nhất”. Đó không chỉ là cái nhìn phiến diện, áp đặt lên khỉ cái mà hơn thế, đó chính là tư tưởng coi thường người phụ nữ đã có từ lâu trong xã hội phong kiến, khó mà thay đổi.

Nhưng rồi cũng chính ông là người đã cứu lấy con khỉ và cho nó trở về với rừng, đó là giây phút ông tỉnh ngộ và nhận ra vị trí của bản thân trước thiên nhiên. Nguyễn Huy Thiệp đã thành công khắc họa người thợ săn ấy trong quá trình đấu tranh đầy phức tạp để nhận ra được giá trị của thiên nhiên, để nhận thấy thế giới tự nhiên không thể đồng nhất với xã hội loài người. Thoạt đầu, khi cầm súng đi săn, nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp được khắc họa trong tư thế đối đầu trực diện với thiên nhiên. Nhưng nhân vật ấy hay chính là con người vẫn luôn có sự lựa chọn để thay đổi hành động với thiên nhiên, đó chính là vứt đi khẩu súng, cứu và thả con mồi. Ngay giây phút đó, con người đã rời bỏ suy nghĩ thượng đẳng, coi mình là “bậc đế vương” để dần trở về gần hơn với thiên nhiên – nơi nuôi dưỡng nên con người. Và chỉ khi bỏ đi những văn hóa đổi mới mà con người cho văn minh hiện đại, “trần truồng” trở về với giá trị nguyên bản, con người mới nhận thức được những giá trị đẹp đẽ mà thế giới tự nhiên mang lại và hòa nhập vào thế giới ấy.

Nhìn chung, con người trong truyện ngắn Muối của rừng là con người trong mối quan hệ với tự nhiên. Con người ấy đã hoàn thành chặng hành trình của mình: từ lúc bắt đầu chuyến đi săn trong tư thế đối đầu và kết thúc quá trình nhận thức khi trở về với trạng thái hòa làm một với thiên nhiên trong cơn mưa rừng, nhận ra vẻ đẹp của “hoa tử huyền”. Chỉ khi con người thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách đối xử của mình với thiên nhiên, từ bỏ sự trịch thượng thì mới có thể tìm thấy thiên nhiên trong mình và mình trong tự nhiên.

Đọc tiếp: Muối của rừng dưới góc độ thi pháp thể loại truyện ngắn phần 6

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22