Muối của rừng dưới góc độ thi pháp thể loại truyện ngắn phần 3

Muối của rừng dưới góc độ thi pháp thể loại truyện ngắn phần 3

Bởi Học văn cô Hà Huyền 04/11/2024
  1.  

Ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Muối của rừng

Ngôn ngữ trần thuật được xem là một trong những yếu tố cơ bản nhất để thể hiện phong cách của nhà văn. Trong truyện ngắn Muối của rừng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không có những lời đối thoại mà chỉ tập trung vào những lời độc thoại nội tâm và miêu tả hành động của nhân vật. Toàn bộ quá trình đi săn và nhận thức của nhân vật được tạo nên thông qua những lớp từ ngữ miêu tả hành động song song của ông Diểu và gia đình con khỉ đầu đàn. Có thể nhận thấy, trong tác phẩm, chủ yếu là lời tả của người kể chuyện khi miêu tả hành động, trạng thái của con người và loài vật trong một cuộc truy đuổi đầy kịch tính. Lần lượt từng bước từng bước tiếp cận con mồi trong quá trình đi săn của ông Diểu đều được ghi lại vô cùng chân thực “Ông ngồi đấy lặng lẽ quan sát … Ông Diểu tính toán rồi luồn theo hướng ngược gió với con khỉ cái canh gác … Tuy nghĩ vậy nhưng mà ông Diểu vẫn cứ tiếp cận đàn khỉ một cách thận trọng …” Ở phía ngược lại, con khỉ cũng được miêu tả với sự dè chừng tương tự “Con khỉ cái tiến đến gần con khỉ đực một cách thận trọng, nó nhìn ngó xung quanh”. Dù cùng một hành động, cùng một trạng thái nhưng ở hai cực đối lập – giữa người đi săn và kẻ bị săn – lại có ý nghĩa khác nhau rõ rệt. Đối với con người, sự thận trọng ấy là để trục lợi cho bản thân, để thỏa mãn thú vui của mình, để thể hiện sự trịch thượng của con người trước tự nhiên. Còn với kẻ bị săn, đó là sự thận trọng khi đứng trước sự sống đang bị đe dọa, sự thận trọng đầy lo sợ. Liên tục miêu tả những hành động của con người song song với loài vật, nhà văn còn khéo léo thể hiện sự thay đổi trong vị thế của hai đối tượng: con người và tự nhiên. Với ngôn ngữ miêu tả đầy tinh tế, người kể chuyện đã khẳng định con người không thể tiêu diệt tự nhiên và cũng không có quyền cải tạo, trục lợi từ thiên nhiên.

Bên cạnh ngôn ngữ miêu tả của người kể chuyện, một hình thức ngôn ngữ làm nên dấu ấn trong Muối của rừng đó là độc thoại nội tâm thông qua những suy nghĩ của ông Diểu. Suy nghĩ của ông Diểu trong từng sự việc lại có sự khác nhau tạo nên sự thay đổi trong nhận thức. Khi ông đang còn mang trong mình quyết tâm phải săn bằng được con khỉ đầu đàn, ông nhìn chúng giống như những con người xấu xa trong xã hội, lấy chúng ra để dồn toàn bộ sự phẫn nộ và khinh bỉ của mình. Đứng trước sự gắn kết của khỉ đầu đàn, khỉ cái và khỉ con, ông không khỏi hoang mang và nghi ngờ. Đến đây, trong nhân vật đã dần có sự chuyển biến trong suy nghĩ, ngờ vực về chính những suy nghĩ phiến diện mà mình áp đặt từ xã hội con người sang tự nhiên. Và cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt nhất trong suy nghĩ của kẻ đi săn là giữa việc cứu hay giết con mồi. Đây cũng là cuộc đấu tranh giữa tình cảm và lí trí, giữa cái tốt đẹp và cái đê tiện. Quyết định cứu con khỉ và trả nó về với tự nhiên là một sự thành công trong đấu tranh nội tâm của nhân vật, ông Diển từ một kẻ đối đầu với tự nhiên trở thành một người cứu rỗi.

Giọng điệu trong Muối của rừng có sự thay đổi linh hoạt. Khác với những truyện trào phúng của Nguyễn Huy Thiệp luôn mang giọng điệu thờ ơ, dửng dung, lạnh lùng; ở truyện ngắn này, khi nói tới tự nhiên, giọng điệu của tác giả có phần thương cảm, xót thương. Ngược lại, khi miêu tả con người với mong muốn đối chọi với thiên nhiên, người kể lại dành một giọng điệu phê phán, lạnh nhạt. Thiên nhiên được gợi nên đẹp đẽ, gắn kết bao nhiêu thì đối nghịch với nó, con người lại càng xấu xí, cô độc, lẻ loi bấy nhiêu.

Đọc tiếp: Muối của rừng dưới góc độ thi pháp thể loại truyện ngắn phần 4

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22