Liên hệ truyện ngắn “Đốt nhà kho” của Haruki Murakami: “Thiêu đốt như một hành động chữa lành lệch lạc của nhân vật chấn thương”
Khi đối diện với những mất mát, những trống rỗng vô nghĩa của cuộc đời, hẳn con người đã vô tình hình thành những vết xước ở trong tim và loay hoay tìm cách chữa lành nó. Thế nhưng một khi chấn thương quá lớn lấn át đi lí trí, liệu hành động chữa lành của họ có đúng đắn? Nhân vật Tam trong truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ” (Nguyễn Ngọc Tư) và nhân vật chàng trong truyện ngắn “Đốt nhà kho” (Haruki Murakami) tuy mang những chấn thương khác nhau nhưng họ đều tìm cách làm lành vết thương bằng cách thiêu đốt, phóng hỏa như một sự cứu cánh cho tâm hồn. Nhận thấy điểm chung này, người viết xin đưa ra sự đối sánh về hành động thiêu đốt của hai nhân vật nêu trên như một khía cạnh khám phá kiểu nhân vật chấn thương của hai nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và Haruki Murakami.
Về mặt tương đồng, cả Tam và “chàng” đều thuộc kiểu nhân vật chấn thương và có nhiều vết thương ở trong lòng. Nếu như Tam mang theo nỗi đau mất con quá lớn, cả đời tự giày vò bản thân thì nhân vật “chàng” là sản phẩm của cuộc sống đô thị no đủ nhưng tâm hồn rỗng tuếch, cuộc sống vô vị và cần được lấp đầy bằng thú vui quái gở. “Chàng vào khoảng nửa sau của tuổi đôi mươi, cao, lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề, nói năng lễ phép. Khuôn mặt không có nét gì đặc biệt nhưng cũng thuộc loại điển trai nên cũng dễ có cảm tình.” Không những ưa nhìn mà chàng còn giàu có, đi xe sang, công việc nhẹ nhàng gần như chẳng phải bận tâm gì mà vẫn có thu nhập lớn. Tưởng chừng “chàng” đang có một cuộc sống trong mơ, cuộc sống đáng ngưỡng mộ mà bao người thèm khát thế nhưng “chàng” lúc nào cũng trống rỗng, thiếu hụt điều gì đó, chàng sống chẳng vì mục đích gì. “Chàng” chẳng thiết mong muốn gì ở tương lai nữa, chỉ muốn vui, muốn nổi loạn để lấp đầy cái vỏ rỗng tuếch ở khoảnh khắc thực tại, đó cũng là một dạng thức khác của sự chấn thương. Những chấn thương xuất phát từ nguồn cơn khác nhau song cả hai nhân vật đều giải tỏa chấn thương bằng hành động phóng hỏa, cả hai cùng yêu thích việc đốt nhà. Tam tìm đủ mọi lí do để đốt nhà mình còn “chàng” đi khắp nơi tìm kiếm những nhà kho thừa thãi để đốt “Trên thế gian này có rất nhiều nhà kho có lẽ đang chờ tay em đốt đi. Thứ nhà kho dựng lên lẻ loi ở bờ biển, nhà kho trơ trọi ngoài đồng trống, đủ loại nhà kho ấy. Chỉ cần 15 phút là tiêu bén đi ngay. Cứ như là ngay từ ban sơ đã chẳng có gì ở chỗ ấy. Chẳng có ai buồn tiếc gì cả. Chỉ có biến mất tiêu trong khoảnh khắc. Chỉ nghe phụt một cái”. Hai nhân vật đốt nhà một cách khá thường xuyên“Khoảng hai tháng là đốt một nhà kho” và ngẫu hứng theo kiểu “Cũng chẳng dự tính gì trước, hay là ghi sẵn trên lịch đâu. Khi nào thấy thích thì đi thôi”. Để rồi hai nhân vật dù tìm được phương thức để chữa lành vết thương nhưng vẫn không thoát khỏi bi kịch. Họ tiếp tục bị thương và những vết thương tiếp tục lan ra lớn hơn và rỉ máu. Tam hủy hoại mình, hủy hoại Nhàn, biến hạnh phúc gia đình trở thành đống tàn tro. “Chàng” thì vẫn vậy, vẫn trống rỗng, vẫn nói những câu chuyện như trước, vẫn ngồi đợi chờ một điều gì xảy đến. Những nhà kho bỏ hoang kia có thể chính là “chàng” – người mang tâm hồn hoang vắng cần được xúc tác bởi một thứ gì đó mới mẻ, mãnh liệt, cuồng nhiệt như ngọn lửa mà chàng vẫn thường châm ngòi. Chàng muốn đốt nhà kho và cũng như muốn thiêu rụi đi cái tâm hồn trống trải của mình. Đến cuối truyện, không có nhà kho nào bị đốt đi nhưng lại có sự mất tích bí ẩn của nhân vật “nàng” – người yêu của “chàng”. Nhiều giả thiết cho rằng, “nàng” cũng là một thứ nhà kho “lẻ loi, trơ trọi, chẳng ai buồn tiếc” mà “chàng” đã châm ngòi để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn mình, rằng nàng đã bị lợi dụng như mồi lửa để “chàng” thực hiện hành vi phạm pháp (đốt nhà kho, giết bạn gái) để làm thú tiêu khiển, mua vui cho tinh thần. Chung quy đều là những phương thức sai lầm, những hành vi lệch lạc đằng sau cái mác tốt đẹp mang tên tự chữa lành để rồi chấn thương vẫn hoàn chấn thương, vẫn không nằm ngoài hai chữ bi kịch.
Còn xét về sự khác biệt, ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư chủ yếu miêu tả niềm vui, ánh mắt say sưa, đam mê của Tam khi nhìn ngọn lửa sáng rực bùng lên ở tổ ấm của mình giống như một kẻ chiến thắng nhìn ngắm chiến tích mà mình đã lập nên. Trong khi đó Haruki Murakami lại tập trung khắc họa khoảnh khắc thích thú lựa chọn địa điểm tiếp theo để phóng hỏa cũng như tiến trình của một cuộc phóng hỏa “Chuyện đơn giản thôi. Tưới xăng lên, ném que diêm bắt lửa vào đấy, bùng lên một phát, thế là xong. Rồi từ xa, dùng kính viễn vọng, thảnh thơi mà ngắm. Cháy tiêu hết chỉ cần không đến 15 phút.” Sự khác biệt này có lẽ do mục đích của cả hai là khác nhau, Tam muốn thiêu rụi cái nơi đã làm anh đau khổ, chôn vùi mọi biến cố ở nơi ấy trong đống tàn tro để có thể xóa mờ hình ảnh, để có thể dễ dàng quên đi. Còn chàng coi chuyện đốt nhà kho như trò tiêu khiển, như một trò chơi để giải trí nên tuân thủ luật chơi, tiến hành theo các bước chiến thuật mình vạch ra và tìm cách tận hưởng nó một cách trọn vẹn. Và ý nghĩa hàm ẩn bên trong mà hai tác giả gửi gắm trong hai câu chuyện cũng khác nhau, một bên là chuyện tình yêu hôn nhân gia đình, một bên lại là hồi chuông cảnh tỉnh về cách sống của giới trẻ trong thế giới phẳng.
Kết luận
Thông qua việc phân tích kiểu nhân vật chấn thương trong truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ” của Nguyễn Ngọc Tư, người viết muốn đưa ra sự diễn giải riêng tư trên góc độ thi pháp học khi tri nhận về tác phẩm đậm tính nhân văn này. Hơn nữa qua thao tác so sánh văn học, cụ thể là về vấn đề “Thiêu đốt như một hành động chữa lành lệch lạc của nhân vật chấn thương” dưới sự quy chiếu giữa Tam trong “Tro tàn rực rỡ” và chàng trong “Đốt nhà kho”, người viết cũng tìm ra sự liên đới giữa hai văn bản để có thể nhìn tác phẩm ở một phạm vi rộng lớn hơn, từ đó đưa ra những trăn trở cá nhân về dòng văn học chấn thương cũng như kiểu nhân vật chấn thương.
Đọc tiếp: Kiểu nhân vật chấn thương Tro tàn rực rỡ và Đốt nhà kho phần 1