Kiểu nhân vật chấn thương Tro tàn rực rỡ và Đốt nhà kho phần 1

Kiểu nhân vật chấn thương Tro tàn rực rỡ và Đốt nhà kho phần 1

Bởi Học văn cô Hà Huyền 08/11/2024

Tóm tắt: Trong thế giới hậu hiện đại đầy bất trắc và hiểm họa, dòng văn học chấn thương được  biết đến như một nơi thấu triệt, quy hồi tất thảy những vết thương không thể khép miệng của con  người. Qua việc tìm hiểu tri nhận, người viết nhận thấy những nhân vật trong truyện ngắn Tro  tàn rực rỡcủa Nguyễn Ngọc Tư cũng là những nhân vật chấn thương khi mang trong mình nhiều  đổ vỡ, nỗi đau không thể san sẻ. Trong bài viết này, người viết muốn truy nguyên nguồn cơn của  những chấn thương xoay quanh bốn nhân vật trong truyện ngắn, từ đó mở rộng liên hệ đối chiếu  với truyện ngắn “Đốt nhà kho” của Haruki Murakami để bàn luận về vấn đề: “Thiêu đốt như một  hành động chữa lành lệch lạc của nhân vật chấn thương.

Từ khóa: nhân vật chấn thương, “Tro tàn rực rỡ”, Nguyễn Ngọc Tư, “Đốt nhà kho”, Haruki  Murakami…

Đặt vấn đề

Sự ra đời của lý thuyết về chấn thương gắn liền với những chấn động kinh hoàng  của thế giới trong thế kỉ XX. Nhìn lại một thế kỷ trước đây, nhân loại liên tiếp phải  đối diện với những “cơn địa chấn” làm chao đảo thế giới: hai cuộc chiến tranh thế giới, hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, những trại tập trung Do Thái, những  nhà tù Xô Viết... Hàng loạt những chấn động lịch sử ấy đã đẩy con người rơi vào  những chấn thương tinh thần, vào những khủng hoảng siêu hình sâu sắc. Nên, bước  ra khỏi thế chiến thứ II, con người bắt buộc phải mang cảm thức khác, phải thay đổi  cách nhìn về thế giới. Phát súng mở đầu có lẽ là tuyên bố của Friedrich Nietzsche  khi triết gia này hùng hồn khẳng định “Chúa đã chết”, rồi sau đó, nhân loại lại một  lần nữa sửng sốt trước lập thuyết “Con người đã chết”. Đức tin (Chúa) đã mất, lí trí  (con người) cũng không còn nữa, thế giới duy vật trở thành cõi mông lung, con người  không thể quy về thuyết định mệnh hay đổ cho đấng siêu hình được nữa, họ mất đi  phương hướng, trở nên hoang mang, lo sợ, đầy ngờ vực, hoài nghi, mang những  chấn thương sâu sắc. 

Chấn thương trong văn học không phải là tình trạng bệnh tật hay những thương  tích về thể xác mà là những vết thương tinh thần tái diễn. Những chấn thương có sự khởi nguyên xuất phát từ những nguồn cơn khác nhau: có thể đến từ cảm giác sợ hãi, hoảng loạn, có khi đến từ những mất mát tổn thất, có khi lại bắt nguồn từ nỗi cô  đơn lạc lõng, trống rỗng. Khi chấn thương, con người buộc phải đối mặt với cái chết  hoặc lay lắt tồn tại trong trạng thái khổ sở ngấm ngầm dai dẳng và liên tục tái diễn  vết thương trong suốt phần đời còn lại. Có thể nhận thấy, nhân vật chấn thương hầu  như đều có một vết thương không thể lành trong quá khứ, rồi nhân vật hoặc cứ ôm  theo vết thương để tự dằn vặt bản thân hoặc có ý định chữa lành nhưng do phương  thức chưa đúng đắn nên càng chữa lại càng khiến vết thương in sâu hơn. Và những  hậu quả kèm theo sau nó cũng rất nghiêm trọng, nhân vật tự hủy hoại mình, hủy hoại  cả những người mình yêu thương. 

Trong “Tro tàn rực rỡ”, chân dung những nhân vật chấn thương lần lượt được  trình lộ dưới ngòi bút nhẹ nhàng, chậm rãi mà sát thương của nữ nhà văn Nguyễn  Ngọc Tư. Tuy trong cùng một mạch truyện nhưng xuất phát điểm của những chấn  thương là khác nhau. Nếu đặt lên bàn cân, không chấn thương nào lớn hơn chấn  thương nào, không ai đau hơn ai cả, cuộc đời họ dây dưa mắc mớ vào nhau rồi lần  lượt bị thương, đến tận cuối truyện vẫn không thể chữa lành. Tất cả những chấn  thương ấy cộng dồn, ngày một tăng lên tạo nên một bức tranh u ám, con người cứ thế bị mắc kẹt không thể thoát ra, không thể cứu người mình thương, không thể tự  cứu lấy mình, cuối cùng đi đến hủy diệt, tàn lụi, cháy rụi dưới ngọn lửa bi kịch. 

Đọc tiếp:  Kiểu nhân vật chấn thương Tro tàn rực rỡ và Đốt nhà kho phần 2

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22