Những vấn đề xoay quanh kiểu nhân vật chấn thương trong “Tro tàn rực rỡ”
Tam, Nhàn, em, chồng – cả bốn nhân vật trong tác phẩm, cuộc đời họ được buộc vào nhau, tưởng là liên kết thế nhưng lại rời rạc, đứt gãy, ngắt giao tiếp, không kết nối. Họ ở bên nhau dường như lại tự hủy hoại lẫn nhau. Họ không kể về nỗi đau của mình với những người thân, họ cứ để những vết thương ấy hằn ở trong tim rất sâu và rất lâu, gây ra bi kịch.
Người đọc cũng sởn gai ốc trước cuộc sống xám ngắt tù đọng, mọi công việc quanh quẩn lặp đi lặp lại nên con người cũng yên vị ở một chỗ, âm thầm chịu đựng bất hạnh ập xuống đầu mình. Người đàn ông, người bị nỗi đau ăn mòn, gặm nhấm biến thành ác quỷ, người thì tồn tại nhưng tim đã chết, không nghe cũng không thấy. Còn người phụ nữ đều yêu chồng con tới độ mù quáng, coi chồng, coi người đàn ông là lẽ sống, là tất cả với mình nên chọn cách chết mòn trong sự nguội lạnh của tình yêu.
Cái cay đắng của tác phẩm này khiến chúng ta bị ngộp thở. Nỗi đau của những người đàn ông được phơi bày, trong khi, nỗi đau của người phụ nữ lại bị giấu đi. Những người đàn ông thiếu bản lĩnh thổi phồng những tổn thương của mình lên, biến nó thành nỗi đau duy nhất trong cuộc đời này để day đi dứt lại, rồi cứ ở mãi trong nó như thể họ là người duy nhất bị đổ vỡ, không cố làm gì để tìm cách thoát ra, được yêu thương nhưng lại không biết trân trọng và còn gây tổn thương ngược lại. Trong mắt họ chỉ có nỗi bất hạnh của bản thân, tuyệt nhiên sẽ không có bi kịch của người nào khác. Thành ra phải có những người phụ nữ phải đưa mình gánh vác nỗi đau giúp họ như những gàu nước nhỏ ve vuốt ngọn lửa nhưng không bao giờ dập tắt được lửa lớn (Nhàn – Tam), như ngọn lửa nhỏ chìm sâu dập vùi bởi đại dương mênh mông (em – chồng).
Ở trên, ta thấy những nhân vật này có phần đáng trách nhưng nếu suy cho kĩ, phần đáng thương lại hiện lên nhiều hơn. Hai người phụ nữ, một người cưới người không yêu mình, dù cố gắng cách nào mình cũng như kẻ vô hình trong mắt người ta, người còn lại cưới được người yêu mình nhưng kết cục lại giày vò lẫn nhau, cứ thế “bỏ thì thương mà vương thì tội”. Hai người phụ nữ nguyện trói buộc mình với những người đàn ông còn sống mà như đã chết ở trong lòng. Còn những người đàn ông, tuy có đáng trách nhưng ở họ vẫn có sự đáng thương không thể giận cho nổi. Một người cha yêu con gái hết mực, một người tình chung thủy hết mực giữ trọn tình yêu của mình, từ đầu đến cuối không thay lòng.
Mỗi người đàn bà trong tác phẩm đều đáng thương và đáng trân trọng. Họ sống bền bỉ và nhẫn nại chỉ với khát khao được nhìn thấy. Họ tìm mọi cách để có được hoặc để giữ lại trái tim người đàn ông mình yêu. Hình ảnh ngọn lửa xuyên suốt tác phẩm còn mang ý nghĩa ẩn dụ, thể hiện mưu cầu hạnh phúc cháy bỏng. Lửa chất chứa bi thương lẫn khao khát được yêu thương của những người phụ nữ. Họ cháy hết mình với tình yêu và không bao giờ bỏ cuộc, để lại “tro tàn rực rỡ” – đó cũng chính là kết tinh của cái đẹp, cái cao cả trong tác phẩm này.
Bên cạnh đó, truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ” cũng đặt ra những vấn đề nhức nhối, những băn khoăn của thời đại chúng ta đang sống rằng: Trừng phạt bản thân bao nhiêu mới là đủ? Những người tốt nhất có thể độc ác như thế nào khi đã gây cho mình những tổn thương? Có những người chỉ ở bên nhau vì trách nhiệm, liệu có nên buông bỏ để giải thoát cho nhau? Hay trong thế giới khi lòng vị tha trở nên khan hiếm, ta cần làm gì? Yêu thương và hi sinh thế nào mới đúng cách?... để mỗi người đọc lại khai phá một khía cạnh mới, tự tìm câu trả lời cho bản thân trong đống dư âm của tro tàn.
Đọc tiếp: Kiểu nhân vật chấn thương Tro tàn rực rỡ và Đốt nhà kho phần 9