Nhân vật “Em” – dạng chấn thương sinh tạo từ sự ngoan cố
Cô gái ấy bị trói vào cuộc hôn nhân bất đắc dĩ chỉ vì chồng khiến cô mang bầu trong lần say rượu. Cô ở nhà làm lụng nuôi con, chờ người chồng cả năm quăng quật mình ngoài biển khơi. Thảng hoặc anh ta có về nhà nhưng lầm lì, lặng câm, cũng chẳng nói với cô một lời, không nhìn cô lấy một lần. Tháng năm đằng đẵng, chỉ có mình cô cất tiếng, mình cô lén gửi gắm biết bao khát vọng nhỏ nhoi vào những câu chuyện vặt vãnh không đầu không cuối. Thế nhưng cô vẫn ngoan cố giao tiếp, vẫn cố gắng bước chân vào thế giới lạnh lẽo u tối của người chồng và cứ thế rơi vào những chấn thương.
Cô yêu chồng và cũng chịu đựng vì anh ta rất nhiều. Cô chấp nhận việc mình chỉ là vật thế thân cho Nhàn để thỏa mãn chồng trong cơn say. Có lẽ giây phút hạnh phúc nhất đời cô là cái đêm chồng cô quá chén, cô yêu “ánh mắt nóng rực kia, dù biết vốn cũng không phải vì mình và cho mình” đến nỗi bị cha ruột đánh vì mang bầu mà không thấy đau, cô sống cả đời trong cái khoảnh khắc“đuốc chìm trên mặt nước, và mấy cọng rơm cứ cọ vào bẹn nhột ran.” Và dường như tất cả những nỗi đau ở hiện tại cô đều có thể chịu đựng được nhờ cái đêm hôm đó. Thế nhưng cô đâu biết cái đêm ấy chỉ mang lại hạnh phúc, ảo tưởng nhất thời cho cô trong khi thứ nó lấy đi lại quá lớn – chính là cả cuộc đời cô.
Trong bao nhiêu năm, cô thủ thỉ kể nhiều chuyện với chồng nhưng toàn độc thoại vì anh chưa hề hé răng nửa lời. Càng cay đắng thay, chỉ khi nhắc đến tên Nhàn, đôi mắt chồng cô mới ánh lên một chút tia sáng. Trong cuộc hôn nhân lặng câm ấy, cô luôn vô hình trong mắt người chồng bởi một lẽ giản đơn, trong mắt anh ta mãi mãi chỉ có hình bóng của Nhàn. Anh chỉ nói chuyện với cô đúng một lần và cũng chẳng nói gì hơn ngoài đám cháy nhà Nhàn. Đáng lẽ cô nên bỏ cuộc nhưng ở cô lại có sự cứng đầu đến lì lợm, cô quyết không buông tay. Cô kể chồng mình nghe về người phụ nữ mà anh ta yêu. Cô tự sát thương mình mà không hay biết. Nhưng quả
thực, nếu không có Nhàn, cô không còn cách gì để níu kéo chồng ở bên nên cô thà chọn cách kể về Nhàn, tự gây tổn thương cho mình để đắp đổi lấy sự xao động nhỏ nhoi trong đôi mắt chồng. Vì dẫu sao, kể về Nhàn cũng chưa thể đáng sợ bằng việc mất chồng. Người đọc có thể dễ dàng nhận ra giọng cô đều đều, không che giấu được sự mỏi mệt và xen cả chút hờn giận của người đàn bà không được thương yêu.
Ngắm nhà Nhàn cháy rực trong đêm, cô lại thấy “lửa cháy coi bộ êm đềm” vì cô muốn tình yêu của chồng dành Nhàn sẽ cháy tan vào trong lửa kia, cô cũng cần một ánh nhìn và một lời hồi đáp dành cho riêng mình. Cô ghen tuông nhưng rồi sau đó lại sự day dứt, tự trách vì cô biết Nhàn cũng khổ (về chuyện Tam, chuyện đứa con) và Nhàn không có lỗi trong chuyện của cô và chồng cô.
Qua lời dẫn chuyện của “em”, tác giả phác họa bi kịch của một người vợ bị chồng bạo hành tinh thần bằng sự thờ ơ, lãnh đạm. Cô chấp nhận thất bại, thua cuộc nhưng sự ngoan cố trong cô vẫn còn. Kết cục, ta không thấy tác giả đưa ra một cái kết cụ thể nào dành cho cô nhưng Nhàn đã tan vào trong lửa, không còn điều gì có thể khiến chồng cô trở về, không còn sợi dây nào kết nối giữa cô với chồng thì niềm ao ước cả đời của cô (việc có được tình yêu của chồng) cũng sẽ nhanh chóng tan thành tro bụi.
Như vậy, những người đàn bà nơi sông nước miền Tây hiện lên đầy hào sảng, chịu thương chịu khó, họ không tìm cách chạy trốn như những người đàn ông, nhưng họ đều ẩn nhẫn tới đáng thương. Hai người phụ nữ, hai số phận nhưng họ cùng chung khát khao đó là được hiện hữu trong mắt người mình yêu, họ là những người phụ nữ tìm hạnh phúc trong vô vọng, mang nặng những chấn thương trong tim mình.
Đọc tiếp: Kiểu nhân vật chấn thương Tro tàn rực rỡ và Đốt nhà kho phần 7