Kiểu nhân vật chấn thương trong truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ”
Lấy bối cảnh xóm Thơm Rơm, Cà Mau - một xóm nghèo miền Tây sông nước, “nơi những người đàn ông ngập trong rượu và mối lo thất mùa rớt giá, con cái ốm đau; nơi những người đàn bà suốt ngày cắm mặt vá víu những chỗ rách trong nhà". Trên khung cảnh buồn tẻ, xám ngắt ấy, bốn con người lần lượt bước lên “sân khấu bi kịch”, lặng lẽ yêu nhau rồi lặng lẽ làm tổn thương nhau, gây ra những vết thương cho nhau.
“Tro tàn rực rỡ” xoay quanh câu chuyện tình yêu tay tư của bốn nhân vật: Tam, Nhàn, em, chồng của em. “Em” yêu chồng tha thiết, thế nhưng chồng cô lại trót thầm thương trộm nhớ Nhàn - dù Nhàn đã yên bề gia thất bên Tam. Hai đám cưới đã diễn ra, thế nhưng rốt cục chẳng ai trong bốn người họ có được hạnh phúc. Chính mối quan hệ đầy “ái ngại”của họ là điềm báo cho chuỗi chấn thương phía sau.
Câu chuyện mở ra bằng một đám cháy bạo tàn, thiêu hủy một ngôi nhà, khuấy động màn đêm tĩnh lặng ở xóm Đất Mũi. Đứng quan sát, nhân vật “em” với thái độ bình tĩnh như chẳng hề gì, chậm rãi trần thuật lại cảnh tượng đó, thủ thỉ với chồng nhưng thực ra là độc thoại. Qua lời thủ thỉ gần như là độc thoại ấy, bi kịch tình yêu của những con người chấn thương lần lượt hiện lên.
Nhân vật Tam – dạng chấn thương sinh tạo từ sự mất mát
Trong tác phẩm, Tam là chồng của Nhàn – người phụ nữ xinh đẹp nết na, nàng vốn là niềm ao ước của mọi đàn ông xóm Thơm Rơm. Vì vậy dường như trong Tam luôn chứa đựng mặc cảm rằng mình với Nhàn như đôi đũa lệch, rằng mình lép vế hẳn so với Nhàn, mình phải may mắn lắm mới có được Nhàn. Nên có lẽ chấn thương trong nhân vật một phần xuất phát từ sự mặc cảm, tự ti của bản thân.
Thế nhưng, chấn thương của Tam chỉ được định hình rõ ràng cụ thể khi biến cố lớn nhất của gia đình anh xảy ra. Hoa - đứa con gái đầu lòng của anh và Nhàn không may bị đuối nước và qua đời. Bản năng của một người cha là che chở và bảo vệ cho con thế nhưng điều giản đơn như vậy anh cũng không làm được. Để bản thân đỡ một phần trách nhiệm, anh lập tức đổ lỗi cho vợ “ngay khi nhìn thấy xác con, Tam chạy về đánh Nhàn lăn ra đất, đạp túi bụi vào bụng chị”. Không thấy đỡ hơn, anh dùng rượu để tự chữa lành vết thương cho mình. Những cơn say là cách anh tự giày vò vì sự vô dụng, bất lực của bản thân. Với Tam, mất con là mất trắng, mất tất cả, mất đi đứa trẻ anh yêu thương hết mực và cũng mất cả sợi dây liên kết duy nhất giữa anh với Nhàn – người phụ nữ luôn được những gã đàn ông trong xóm để ý. Điều này càng làm cho vết thương ở trên mở rộng kích cỡ và trở nên trầm trọng hơn. Nhìn ở góc độ này, trong người đàn ông cũng có dự phần của những ghen tuông, ích kỷ. Trong tình yêu, anh ta muốn thâu tóm mọi thứ của người kia về mình, muốn mọi thứ đều là của mình. Đây cũng chỉ là một phần, cái rõ rệt nhất ta nhìn thấy trong chấn thương của Tam chính là tình phụ tử. Từ khi mất con, Tam trượt dài trong sự mất mát để rồi mất thêm nhiều thứ hơn.
Đọc tiếp: Kiểu nhân vật chấn thương Tro tàn rực rỡ và Đốt nhà kho phần 3