Nội dung
“Thị trấn Yumiura” lấy bối cảnh một cuộc gặp gỡ và chuyện trò của nhà viết tiểu thuyết Kusami với những vị khách đến không hẹn trước mà ngày nào ông cũng đón. Đó sẽ là lịch trình, thói quen mỗi ngày của ông nếu không có sự xuất hiện của một vị khách đặc biệt. Bà tự nhận mình đã gặp gỡ và gắn bó sâu sắc với Kusami, thậm chí còn được ông cầu hôn tại vùng đất Yumiura từ 30 năm về trước. Điều đặc biệt là Kusami không thể nhớ nổi cuộc gặp gỡ rõ ràng là đáng nhớ đó, cũng không nhớ nổi người phụ nữ đáng lẽ là khó quên kia. Cuộc trò chuyện của ông với cố nhân diễn ra dường như chỉ có cảm xúc và hồi ức đơn phương của người phụ nữ. Câu chuyện kết thúc với một bất ngờ: không có vùng đất nào tên là Yumiura trên bản đồ. Song, bất ngờ đó lại khiến một niềm tin rất đỗi dịu dàng chớm nở trong lòng tiểu thuyết gia…
Cuộc gặp gỡ bất ngờ và ngắn ngủi với những điều mơ hồ khó nhớ ra tưởng như sẽ chỉ là thoáng qua trong tâm trí nhà văn Kusami, nhưng sự thật đằng sau đó lại có sức tác động mạnh mẽ đến nhận thức và xúc cảm của nhân vật. Để tạo ra sức mạnh đó, sự lặp lại cấu trúc không – thời gian kí ức, trong thế song chiếu với thực tại đóng vai trò chủ đạo. Ngay từ nhan đề, “Thị trấn Yumiura” đã dự báo sự ám ảnh của không gian trong tác phẩm. Trong tác phẩm, thị trấn Yumiura là điểm về của kí ức mà người khách nữ nương vào đề khơi lại những kí ức dịu êm, hạnh phúc, vẫn vẹn nguyên của mình. Nhờ cách xuất hiện không trực tiếp mà thông qua hồi ức, không gian thị trấn Yumiura luôn được đặt trong thời quá khứ. Vì vậy, cấu trúc không – thời gian không bao giờ tách rời nhau trong xuyên suốt mạch truyện. Cứ nhắc tới không gian thị trấn, là người đọc hiểu nhân vật đang nói về thời gian 30 năm trước. Và ngược lại, cứ nhắc về thời gian quá khứ là gợi nhắc những kí ức liên quan đến thị trấn Yumiura. Từ đó, thị trấn Yumiura trở thành một hình tượng kép – hình tượng không-thời gian lặp lại, vừa là một điểm nhấn thẩm mỹ, vừa góp phần thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.
Trong truyện ngắn này, chúng tôi nhận thấy những tương quan giữa không – thời gian quá khứ và không – thời gian thực tại đóng vai trò quan trọng trong mạch truyện, đồng thời là cách thức thể hiện quan niệm nghệ thuật của Kawabata về con người và cuộc đời.
Đọc tiếp: Không gian và thời gian trong Thị trấn Yumiura phần 3