Tóm tắt
Từ việc hệ thống và giải mã những tín hiệu không gian và thời gian lặp đi lặp lại trong truyện ngắn “Thị trấn Yumiura”, bài viết đã chỉ ra và chứng minh ý nghĩa của hình tượng không – thời gian kí ức, trong sự đối sánh với thực tại, là cơi nới, xoa dịu và trấn an thực tại. Tìm ra cách thức trấn an là sử dụng triệt để sức mạnh của cái huyền ảo, bài viết đồng thời cũng cố gắng khái quát nghệ thuật xây dựng không gian và thời gian kí ức như những biểu hiện của thi pháp tác phẩm.
Từ khóa: thi pháp học, Kawabata, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, truyện ngắn.
Mở đầu
Hành trình ngàn dặm của “người lữ khách muôn đời đi tìm cái đẹp” (Mishima Yukio) Yasunari Kawabata đã kết thúc được nửa thế kỉ, nhưng cái đẹp mà ông mang đến vẫn không thôi gây thổn thức và khơi dậy khao khát kiếm tìm của bao trái tim. Là nhà văn đầu tiên của xứ Phù Tang, đồng thời là nhà văn thứ ba của Châu Á nhận giả Nobel Văn học, Yasunari Kawabata đã dung hòa cái đẹp mang tinh thần phương Tây với kí ức thân quen nhất của phương Đông, của đất nước Nhật Bản để tạo nên giá trị không thể thay thế cho các sáng tác của mình. Với ông, cội nguồn là thói quen, là chốn về, là giá trị không thể bị lạc mất trong tư duy và trái tim con người: ''Bị lôi cuốn bởi những trào lưu hiện đại phương Tây, đôi lúc tôi cũng lấy đó làm mẫu. Nhưng về gốc rễ, tôi vẫn là người phương Đông và không bao giờ từ bỏ con đường ấy” [4]. Với tinh thần đó, văn chương của Kawabata luôn bàng bạc thứ kí ức giàu chất thơ thuộc về truyền thống, văn hóa quê hương, là điểm tựa tinh thần, là nơi con người trở về và được cứu rỗi khỏi cái gai sờn của thực tại, cái khốc liệt của thời gian, cái đổ ập vào của những thứ mới trong cuộc sống hiện đại. Ta bắt gặp một “Xứ tuyết” trong ngần, tinh khôi mà hùng vĩ, đối lập với Tokyo phồn hoa, sầm uất, mang đến cho người lữ khách những rung cảm mãnh liệt và khoảnh khắc ấm áp, thư thái trong tâm hồn. Ta bắt gặp nỗi lo âu của người lữ khách khi nét đẹp của truyền thống trà đạo Nhật Bản đang dần mai một, bay biến như “Ngàn cánh hạc”. Ta còn bắt gặp cái đẹp đượm buồn mà vẫn thanh tao, nhã nhặn, mang đặc trưng của mỹ cảm wabi trong “Cố đô” hay “Đẹp và buồn”,…
Ý niệm về kí ức đã len lỏi vào tâm hồn người con yêu dấu của đất nước mặt trời mọc, khiến ngòi bút Kawabata luôn ám ảnh, luôn kiếm tìm. Đó có thể là kí ức văn hóa, truyền thống, cảm thức dân tộc, cũng có thể là thứ kí ức mơ hồ cứ tự dưng thành hình để khi thì quẩy đảo, khi thì nâng niu trái tim con người. Truyện ngắn “Thị trấn Yumiura” là cuộc viếng thăm bất ngờ của thứ kí ức như vậy. Bằng việc xây dựng những không – thời gian thuộc về kí ức ngày một dày đặc, chảy tràn vào giác quan và tâm trí nhân vật, Kawabata đã khiến kí ức vượt lên cả địa hạt của cái đã qua, cái bất biến, cái chỉ có thể nhớ hoặc quên. tạo cho nó sức mạnh lay chuyển, sức mạnh cứu rỗi thực tại. Khi xuất hiện và lặp lại liên tục, không – thời gian kí ức không còn chỉ là nền cảnh hay một chi tiết, mà trở thành hình tượng trung tâm, chứa đựng quan niệm của tác phẩm.
Đọc tiếp: Không gian và thời gian trong Thị trấn Yumiura phần 2