Không gian nghệ thuật trong tác phẩm “Mùa hoa cải bên sông”
Không gian sông nước
Bao trùm lên toàn bộ tác phẩm, Mùa hoa cải bên sông như chính cái tên của nó, là sự song hành của không gian sông nước mênh mông vô tận và không gian của cánh đồng hoa cải bạt ngàn. Tác phẩm mở đầu bằng hình ảnh của dòng sông dưới ánh trăng lấp lánh, xuyên suốt là câu chuyện của những người sống với số phận bị ràng buộc bởi con sông đẹp đẽ ấy. Con sông ôm ấp, quẩn quanh, rồi lại ghì chặt, bóp nghẹt lấy gia đình ông Lư và những đứa con của ông. Gia đình ông Lư cả đời găn liền với dòng sông và bến Chùa, vì biến cố mà ông Lư cấm cả gia đình mình không được bước chân lên mặt đất. Ông trân quý dòng sông, dòng sông ban cho cả gia đình cái ăn, cái mặc và hơn cả dòng sông đón lấy người vợ quá cố chết vì căn bệnh quái ác của ông.
Theo quan niệm văn hóa phương Đông, nước, hay dòng sông có khả năng gột rửa, thanh tẩy và tái sinh hay sự ban phước; ta có thể thấy rõ điều đó trong “Mùa hoa cải bên sông”. Trong truyện, cái chết của người vợ do bệnh dịch đã để lại ông một mình chăm ba đứa con nheo nhóc, ông Lư vì quá yêu thương mà không nỡ chôn cất người vợ của mình, để bà nằm trên mui thuyền suốt ba ngày ròng rã. Đến khi ông quyết định tìm nơi an táng cho vợ mình trên cạn thì những kẻ sống ở hai bên bờ sông xua đuổi họ như những kẻ ma quỷ gieo rắc bệnh dịch. Nén đau đớn, ông không còn cách nào khác phải nhờ đến sự đón nhận, bảo bọc của dòng sông. Ông chôn cất vợ dưới đáy sông, cùng hai đứa con trai đắp đá xanh tạo thành mộ cho người đàn bà xấu số ấy để tránh nước cuốn đi. Đến bước đường cùng, chỉ có dòng sông là đón nhận gia đình ông, nước sông vỗ về người đàn ông với trái tim quằn quại đau đớn ấy, tái tạo lại cuộc sống của cả gia đình. Nước sông cũng có khả năng thanh tẩy, gột rửa. Như ông Lư nói với Chinh khi hai cha con thấy xác người chết trôi qua thuyền: “Hãy để nước sông đêm cuốn đi mọi bẩn thỉu của mặt đất. Đừng chạm tay vào nước sông cho đến sáng mai”. Đối với người đàn ông thô kệch này, dòng sông là điểm tựa tâm hồn, là thần linh với khả năng vô hạn, là đấng cứu thế cứu rỗi ông khỏi cái hiện thực đời sống trần trụi, vô cảm của những kẻ sống trên mặt đất. Ông không thể rời xa vị thần linh đó và cũng ép buộc những đứa con trong gia đình phải công nhận sự hào nhoáng, toàn năng của dòng sông. Niềm tin ấy khiến ông trở nên mù quáng, áp đặt và trở thành một kẻ điên ích kỉ giam hãm bản thân và gia đình trên chiếc thuyền chật hẹp trong mắt những đứa con, đặc biệt là thằng Cát hay đứa con gái đẹp đẽ mà hoang dại như Chinh.
Không chỉ vậy trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều, dòng sông cũng bồi đắp cho tình yêu lứa đôi. Dòng sông đã kết duyên cho người anh cả của Chinh – Sỏi với con gái bạn thuyền của ông Lư, đám cưới linh đình với hàng chục chiếc thuyền kết thành bè lớn. Hơn cả dòng sông gắn kết, se duyên cho tình yêu của Chinh và Thao – một người lính đã giải ngũ. Nước sông gắn kết hai tâm hồn đồng điệu, làm tình yêu thuần khiết của họ thêm thăng hoa; nó thấu hiểu, bảo vệ và nuôi dưỡng tình yêu trong họ ngày càng lớn dần. Sông mang vẻ đẹp của nhựa sống căng tràn, của niềm hạnh phúc vỡ òa khi Chinh và Thao được gặp nhau, bên nhau, yêu nhau, giao hòa với nhau.
Tuy nhiên, đối với Nguyễn Quang Thiều, con sông cũng đen tối, nếu con thuyền là nhà tù thì dòng sông là dây xích, là song sắt, gông cùm giam hãm những đứa con của ông Lư. Khác với ông, chúng không cảm thấy thực sự có được yên bình hay cuộc sống nhất nhất phải phụ thuộc vào dòng sông, chúng bất mãn với cuộc sống nhàm chán, quẩn quanh ở khúc sông nơi con thuyền neo đậu. Dòng sông là chất chứa nỗi đớn đau của định kiến, bất mãn, thù hận của ông Lư. Như Cát nói: “Chẳng có ai tù ai hết cả. Ngu dốt nó tù tất cả…Trời ơi,…Một ông già độc đoán tự cho mình quyền ngự trị tất cả. Ông bỏ tù chính ông, bỏ tù một cặp đực cái, bỏ tù một thằng hèn hạ như tôi, bỏ tù cả con bé đẹp nhưng mù chữ. Tất cả ỉa đái xuống dòng sông rồi lại nói nước sông trong sạch, lấy nước sông ăn, lấy nước sông uống!”. Đây là điểm mới mẻ, cách tân trong sáng tạo nghệ thuật của tác giả. Từ chỗ nước có vai trò của sự thanh tẩy, tươi mát, cao vọng và có sức mạnh của đấng tối cao, nguồn cội mang đến sự tái sinh lại trở thành thứ nuôi dưỡng lòng ích kỉ, bao trùm khoái cảm giam hãm xấu xa, vị kỷ, đem đến cho con người ta sự tuyệt vọng, như là dấu chấm hết cho cuộc đời của Sỏi, Cát và cả Chinh.
Không gian sông nước xuyên suốt tác phẩm, gắn chặt với cuộc đời của những con người sống dựa vào sông. Phải chăng, dòng sông là nguồn mạch, là cảm hứng văn chương vô tận với “nhà thơ của những cách tân truyền thống”. Dòng sông cùng vẻ đẹp thơ mộng, huyền ảo, dịu dàng với sóng nước lấp lánh dưới ánh trang gợi cho ta về những câu thơ trong bài “Sông Đáy” của Nguyễn Quang Thiều: “Sông Đáy chảy vào đời tôi/ Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả/ Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm”. Dòng sông buộc chặt lấy tâm hồn của nhà thơ, dòng sông linh thiêng chứng kiến câu chuyện gian nan của những kiếp người. Cùng với đó dòng sông – nước gắn liền với hình tượng người mẹ bao dung, chở che, luôn dõi theo hành trình của con. Như với Chinh, dòng sông cũng giống như người mẹ, khung cảnh Chinh đắm mình trong dòng nước mát lành vào đêm trăng vui sướng, quẫy đạp, tự do cũng cho ta liên tưởng tới sự vỗ về, dịu dàng của người mẹ. Người mẹ cũng chứng kiến tình yêu, sự hoang dại, tha thiết yêu bờ của Chinh và chở che cho tình yêu của hai người.
Đọc tiếp: Không gian và thời gian nghệ thuật trong Mùa hoa cải bên sông phần 4