Không gian và thời gian nghệ thuật trong Mùa hoa cải bên sông phần 2

Không gian và thời gian nghệ thuật trong Mùa hoa cải bên sông phần 2

Bởi Học văn cô Hà Huyền 04/11/2024

Nội dung

Khái niệm không gian, thời gian nghệ thuật

Không gian nghệ thuật

Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó”.

Với PGS.TS Trần Đình Sử, không gian nghệ thuật là “hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật”. Với ông “không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có một nhân vật nào không có một nền cảnh nào đó”. Không gian nghệ thuật là một “hiện tượng nghệ thuật”, một phạm trù nghệ thuật; là “sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ” nhằm thể hiện quan niệm về mô hình thế giới. Không gian nghệ thuật cũng góp phần tạo dựng tinh thần để con người bộc lộ bản thân đồng thời góp phần thể hiện chiều kích tâm hồn của người nghệ sĩ.

Như với Nguyễn Quang Thiều, tuy lên thành phố sinh sống và công tác nhiều năm, nhưng chất liệu sáng tác trong văn thơ ông vẫn là không gian làng quê, nông thôn xưa cũ, nơi có làng Chùa, dòng sông Đáy quê hương. Có thể nói, Nguyễn Quang Thiều ám ảnh về quê hương - nơi có Làng Chùa và dòng sông Đáy. Bằng chứng rõ rằng, trong suốt đời hoạt động nghệ thuật của mình, nhà thơ nhà văn Nguyễn Quang Thiều không bao giờ ngừng viết về quê hương. Trong một bài phòng vấn, Nguyễn Quang Thiều từng nói: “Tôi nghĩ rằng còn rất nhiều điều ở làng Chùa mà mình có thể viết mãi không hết, viết mãi cũng chưa chạm được vào điều mình muốn viết, những điều lớn lao chứa đựng trong vùng đất nhỏ bé.” Ông luôn tâm niệm rằng trái tim và số phận của mình luôn gắn liền với con người, mảnh đất thân thuộc này “Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy/ Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn dụa nước mưa sông.”(Sông Đáy – Nguyễn Quang Thiều). Quê hương với những cánh đồng, dòng sông Đáy nước trong và nhịp sống thôn dã của những con người nơi đây là đề tài, cảm hứng bất tận trong những sáng tác sau này của Nguyễn Quang Thiều – nhà thơ của những cách tân “truyền thống”.

  1.  

Thời gian nghệ thuật

Trong cuốn Dẫn luận thi pháp học của Trần Đình Sử, tác giả đã định nghĩa cụ thể “Thời gian nghệ thuật là một phạm trù nghệ thuật. Đó là thời gian mà ta có thể trải nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với chiều dài hiện tại, quá khứ hay tương lai”. Vậy thời gian nghệ thuật là “một phạm trù nghệ thuật”, là “một hình tượng nghệ thuật”, là “phương thức tồn tại của thế giới nghệ thuật”. Đó là “sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ” để thể hiện quan niệm về thế giới. Thời gian nghệ thuật là thời gian mà người đọc có thể cảm nhận được, trải nghiệm được ở trong tác phẩm với độ dài - ngắn khác nhau, với tốc độ nhanh - chậm khác nhau, với chiều dài hiện tại - quá khứ - tương lai cũng khác nhau. Thời gian nghệ thuật mang tính hữu hạn vừa mang tính chủ quan, mang tính tâm lí; phụ thuộc vào trạng thái, cảm xúc, tình cảm của con người. Thời gian nghệ thuật mang tính quan niệm/tượng trưng; là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời, về con người. Thời gian nghệ thuật giúp người đọc nhìn thấy được, cảm nhận được nhịp điệu của bức tranh cuộc sống mà nhà văn miêu tả, giúp ta tìm hiểu được tâm trạng của con người, là cách thức phân tích tâm lí của nhân vật cũng như là phương thức để ta tìm hiểu về quan niệm về cuộc sống, về con người của nhà văn.

  1.  

Truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông”

Truyện kể về bi kịch của gia đình ông Lư. Vốn sinh sống trên sông nhưng trước đó khi vợ ông còn sống, gia đình ông hòa thuận với những người sống hai bên bờ, vợ ông vẫn dắt con gái đi chợ, cho con trai cả đi học. Nhưng cuộc sống tốt đẹp ấy không kéo dài lâu khi vợ ông chết do bệnh dịch, người sống trên đất liền sợ lây bệnh nên không cho ông chôn cất vợ. Hết cách, ông chỉ đành chôn vợ dưới dòng sông. Vì yêu thương vợ hết mực nên cái chết ấy đã khiến ông Lư trở thành người độc đoán, thù hận với những quan niệm ấu trĩ để rồi đẩy đời ông và các con, đặc biệt là Chinh vào một bi kịch lớn. Chinh khác với hai anh, cô mạnh mẽ và táo bạo, làm trái lời cha, Chinh lên bờ, yêu và có mang với Thao. Biết chuyện, ông Lư trở nên điên cuồng, đánh đập Chinh và nguyền rủa Thao. Kết truyện mở, để lại những ám ảnh cho độc giả, những lời thêu dệt về người đàn bà và đứa nhỏ khiến Thao ngày càng đau đớn và bất lực; cánh đồng hoa cải mỏng manh đẹp đẽ gợi ra hình bóng Chinh.

Đọc tiếp: Không gian và thời gian nghệ thuật trong Mùa hoa cải bên sông phần 3

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22