Không gian và thời gian nghệ thuật trong Mộ phần tuổi trẻ phần 6

Không gian và thời gian nghệ thuật trong Mộ phần tuổi trẻ phần 6

Bởi Học văn cô Hà Huyền 17/09/2024

Câu chuyện được mở đầu bằng một bữa ăn như thế và được tiếp tục bằng những hồi tưởng của tác giả, những suy nghĩ của nhân vật “tôi”, thời gian hiện tại – quá khứ được đan xen, không có bắt đầu cũng không có kểt thúc trong toàn bộ tác phẩm. Trong tác phẩm, nhân vật “tôi” được sinh ra trong một gia đình tướng Cộng hòa, mẹ là một bà mẹ Việt Nam mẫu mực, một anh ba là sĩ quan quân đội và một người anh tư thiên tài có trí tuệ uyên bác, nhưng lại bị tình yêu hủy hoại. Dọc theo dòng suy nghĩ là những sự kiện xảy ra trong gia đình nhân vật tôi cùng với những sự kiện lịch sử lúc bây giờ. Dường như những cảnh, sự kiện được tác giả kể chỉ là cái cớ cho những suy nghĩ, lí giải cho tâm trạng nhân vật “tôi” hoặc là những nhân vật khác. Chính vì vậy, thời gian của những sự kiện ấy không được sắp xếp theo một trình tự tuyến tính nào mà lại mang tính chủ quan. Các mốc thời gian cùng các sự kiện được sắp xếp theo dòng suy nghĩ của nhân vật “tôi”. Tác giả kể câu chuyện về cuộc gặp gỡ Bùi Giáng – một thi sĩ có chút gì đó “điên”. “Tôi” gặp nhân vật ông già ăn mày gần đại học Vạn Hạnh, ông ta đang bị đám đông bao quanh đánh, chửi bới vì đã xé rách một mảnh vải và bóp vào ngực cô bán vải. Có lẽ ông già ăn mày ấy là Bùi Giáng. Câu chuyện được nhân vật “tôi” kể có thật không? Điều đó có lẽ chỉ nhân vật “tôi” mới có thể trả lời. Tác giả viết về Bùi Giáng nhưng dường như lại không phải là Bùi Giáng. Chiến tranh đi qua khiến con người ta đau đớn, bức con người ta đến “điên”. Chiến tranh luôn là kẻ thù của nhân loại. Chiến tranh được phản chiếu vào nghệ thuật nhưng nó vẫn giữ y nguyên sự đáng sợ của nó. Tác giả kể về vụ thảm sát năm 1937 do Hitle thực hiện. Vụ thảm sát ấy đã được Picasso đưa vào tác phẩm Guernica. Bức tranh sử dụng màu đen, trắng, xám để tái hiện khung cảnh chiến tranh, trong bức tranh ấy là một con người, một con bò, ngọn lửa đang gào thét... Bức tranh đã có ảnh hưởng vô cùng lớn ở Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Và đến năm 1974 nghệ sĩ Tony Shafraxi đã dùng sơn xịt lên bức tranh dòng chữ “Hãy giết chết bọn dối trá” để phản đối chính quyền Nixon đã tha bổng cho William Calley trong vụ thảm sát Mĩ Lai. Những con người có thật trong lịch sử, những con người yêu chuộng hòa bình vẫn luôn tìm cách phản đối chiến tranh. Câu chuyện vẫn tiếp tục với dòng suy nghĩ miên man của nhân vật “tôi”. Anh ta nghĩ về anh bạn tên Khanh, cô gái Samartha xinh đẹp cùng người tình Joe đã chết của cô ta, nghĩ về cuộc sống không lí tưởng, không hoài bão, cuộc sống mải tìm niềm vui trong những cuộc ăn chơi, những ham muốn thể xác của mình,… Trong khi đó những cuộc biểu tình vẫn dâng cao, những cái chết của những những người trẻ như Trân Văn Ơn trong phong trào sinh viên khiến cuốc biểu tình càng mạnh mẽ. Nhân vật “tôi” kể một câu chuyện gặp Trịnh Công Sơn tại nhà của ông: “Giờ ông đang ngồi trước mặt tôi, trầm ngâm và tư lự”. Những sự kiện như hòa vào với nhau, không theo một trật tự nào. Dòng thời gian của các sự kiện như những lát cắt có độ dài ngắn khác nhau, đan xen vào nhau. Trong dòng suy nghĩ của nhân vật “tôi”, thời gian hiện thực với mộng ảo, hiện tại với quá khứ hòa quyện với nhau không phân biệt được.

Kết luận

Trong tiểu thuyết này, ta thấy tác giả dựa trên lịch sử, trên những gì đã có thật để xây dựng một không gian, thời gian nghệ thuật, từ đó thể hiện cái nhìn của bản thân, khắc họa nội tâm nhân vật chính “tôi”. Qua không gian, thời gian nghệ thuật ấy, tác giả tập trung vào khắc họa góc khuất của chiến tranh, những suy tư của con người trong cuộc. Mạch văn của toàn tác phẩm không theo một trật tự không gian, thời gian cố định nào mà đi theo dòng suy nghĩ của nhân vật “tôi”, quá khứ - hiện tại, lịch sử - cuộc sống, sự thật - hư cấu đan xen nhau suốt toàn tác phẩm. Tác phẩm dựa trên lịch sử, lấy lịch sử làm nền tảng để xây dựng nên câu chuyện riêng. Qua đó, đọc giả thấy được được sự sáng tạo độc đáo, mới lạ của tác giả.

Sở dĩ tác phẩm “Mộ phần tuổi trẻ” hấp dẫn chính là vì tác giả đã có con mắt tinh đời, biết cách nhìn lịch sử để chắt lọc tài liệu, sự kiện, nhân vật, cộng với bút lực có lửa, có hồn khi xây dựng một không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật đặc sắc là bối cảnh cho nhân vật thể hiện suy nghĩ, hành động. Huỳnh Trọng Khang đã đưa đến cho chúng ta một tác phẩm vừa mang hơi thở lịch sử lại vừa hấp dẫn lôi cuốn bởi những trang văn với sự đan xen giữ cung bậc cảm xúc của tình yêu đôi lứa, tình yêu đất nước và cả tình yêu giữa những mảnh đời đầy đau khổ, bất hạnh trong thời kỳ đất nước phân chia. “Giữa những cuộc chiến là tình yêu,” hay cũng có thể là hận thù, như nhân vật “tôi” đã tự luận giải, nhưng nhìn kỹ hơn, chẳng ý nghĩa nào tồn tại được giữa chiến tranh, như ấn tượng về những mảnh rời rạc trong Mộ phần tuổi trẻ để lại cho người đọc.

Tóm lại, việc phân tích tìm hiểu về không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật giúp người đọc có thể hiểu rõ hơn về các yếu tố tác động đến nội tâm, tinh thần, tâm lí của nhân vật để hiểu hơn về nhân vật và qua đó thấy được sự độc đáo, sáng tạo của tác phẩm.

Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật trong Mộ phần tuổi trẻ phần 1

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22