Thời gian nghệ thuật
Thời gian nghệ thuật là một phạm trù nghệ thuật, là phương thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Cũng như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ để thể hiện quan niệm về thế giới. Đây là thời gian mà người đọc có thể cảm nhận được, trải nghiệm được ở trong tác phẩm với độ dài, ngắn khác nhau, với tốc độ nhanh – chậm khác nhau, với chiều dài hiện tại – quá khứ - tương lai cũng khác nhau.
Thời gian được sử dụng trong tiểu thuyết này cũng như các tiểu thuyết cổ điển khác, là thời gian tuyến tính. Đây không phải một cách dẫn dắt mới lạ, nếu đứng từ góc độ so sánh với các tiểu thuyết hiện đại sau này. Ở “Lão Goriot”, ta tìm thấy một số ít yếu tố chuyện kể quá khứ bên cạnh phần nhiều là lối trần thuật biên niên. Tuy vậy, Balzac cũng vẫn khiến người đọc cuốn theo những gì kịch tính nhất, hấp dẫn nhất đang diễn ra trong câu chuyện.
Bắt đầu mỗi sự kiện trong tiểu thuyết, Balzac thường đưa cho người đọc một con số cụ thể về thời gian, mở đầu là năm 1819 và mọi sự việc đều xảy ra xoay quanh năm này. Tuy nhiên, Balzac không kể sự việc trải dài theo từng tháng, từng năm của câu chuyện mà hướng ngòi bút của mình tập trung vào khoảng thời gian ngắn ngủi – mười ba ngày. Ở những chương đầu tiên, người đọc thấy được sự xuất hiện của các con số chỉ năm như 1813, 1819, nhưng sau đó chỉ còn những từ chỉ tháng và ngày. Điều đặc biệt là, người đọc có thể cảm nhận thời gian tính bằng tháng, bằng năm của tác phẩm trôi qua rất nhanh, gói gọn trong khoảng hơn một trăm trang trên tổng số bốn trăm trang tiểu thuyết. Phần còn lại là diễn biến trong khoảng thời gian mười ba ngày. Trong thời gian ấy, các sự kiện được dồn nén, mâu thuẫn được đẩy lên đến đỉnh điểm, tạo nên những xung đột trong tâm lí các nhân vật. Có thể nhận xét rằng, khi thời gian cốt truyện được phác hoạ càng ngắn thì những mâu thuẫn xảy ra càng quyết liệt.
Khắc hoạ sự việc theo diễn tiến của từng ngày, tác giả không cụ thể gọi tên những mốc thời gian cụ thể mà nhắc đến thời gian phiếm chỉ: ngày hôm sau, sáng hôm sau. Điều này vừa cho người đọc thấy như đang tham gia vào câu chuyện, vừa đem lại cảm giác mơ hồ, thời gian nào cũng được, ngày tháng nào cũng được.
Điều đặc biệt là dù đề cập đến yếu tố thời gian một cách chi tiết nhưng Blazac yêu thích hơn cả là thời điểm “buổi chiều” và “buổi tối” hơn là ban ngày. Với Balzac, muốn hiểu Paris thì tốt hơn cả là ngắm nhìn nó khi về đêm như nhân vật Rastignac suy nghĩ “Ở cái đất Paris này, cần phải thức đêm mới biết rõ những sự việc xảy ra xung quanh mình.”. Cũng có thể hiểu khoảng thời gian này được Balzac lựa chọn vì nó mang một ý nghĩa ẩn dụ như là chiều của cuộc đời. Cái chết của lão Goriot xảy ra vào buổi chiều, Vautrin bị bắt vào xế chiều… Nếu Hugo để nhân vật của mình phát triển bước đến ánh sáng qua hình tượng đối lập của ánh sáng và bóng tối thì Balzac lại để các nhân vật của mình ở lại trong bóng tối. Đó là cách ông miêu tả những ảo mộng tan vỡ và là sự dự cảm cho nhân vật tiếp tục bước đi trên con đường bóng tối như nhân vật Rastignac.
Những sự kiện cuối cùng của tác phẩm được miêu tả nhanh chóng, gấp gáp, nhất là khi Balzac kể về đám tang của lão Goriot, từ lúc đưa quan tài đến khi hạ huyệt. Nhờ vậy, hiện thực được lột tả một cách rõ nét trong sự qua quít, chóng vánh, sơ sài của lễ tang. Tác giả phơi bày cho chúng ta bức tranh hiện thực qua từng nét vẽ mà ở đó lòng người lạnh lẽo, phũ phàng. Cái kết của tác phẩm cũng hé lộ con đường tha hoá của nhân vật Rastignac qua chi tiết “giọt nước mắt của chàng trai trẻ lăn dài, rơi xuống đất rồi từ từ vút lên cao”.
Kết luận
Như vậy, qua việc khắc hoạ không gian và thời gian nghệ thuật, Balzac đã đặt nhân vật của mình vào những hoàn cảnh, tình huống khác nhau, buộc nhân vật phải bộc lộ tính cách, thế giới nội tâm của mình. Qua đó, bức tranh thế giới hiện thực, “tấn trò đời” mà tác giả khắc hoạ càng được lột tả rõ nét.
Balzac đã theo sát nguyên tắc tổ chức tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa: xây dựng không gian xã hội và tác động của hoàn cảnh sống đến tính cách nhân vật. Tác giả đã miêu tả tỉ mỉ thực tại, những gì tác động từ từ đến quá trình thay đổi nội tâm, tính cách nhân vật. Nhân vật của Balzac không phi thường, ngoại lệ nhưng có logic với hoàn cảnh sống. Nếu với chủ nghĩa lãng mạn, nhà văn xây dựng nhân vật ngoại lệ trong tình huống ngoại lệ, khẳng định thế giới ước mơ bằng cách đối lập nó với thực tại, không cần lý giải gì thì đối với chủ nghĩa hiện thực, tác giả luôn luôn phải lý giải nhân vật, ước mơ bám vào cơ sở của thực tại, hình thành từ thực tại. Trong tác phẩm, mọi hành động đều được lý giải bằng hoàn cảnh sống và nó quyết định đến ý thức nhân vật. Việc ước mơ va đập với thực tại chính là sự tan vỡ.
Tác phẩm của Balzac không nói về riêng câu chuyện của người đời trước, ở xã hội xa xôi nào mà đúng với cả ngày nay, với bất cứ con người nào ở xã hội nào. Tác phẩm đã thực sự tạo một dấu ấn lớn trong nền văn học Pháp nói riêng và văn học Thế Giới nói chung.
Đọc tiếp: Không gian thời gian nghệ thuật trong Lão Goriot phần 1