Ngoài tiệm tạp hóa Namiya, câu chuyện còn được liên kết hết sức mạch lạc, logic thông qua không gian trại trẻ mồ côi Marumitsu. “Trong tòa nhà bốn tầng bê tông cốt thép nằm giữa lưng chừng đồi, ngoài các phòng ngủ còn có nhà ăn, nhà tắm để bọn trẻ từ ẵm ngửa cho tới lứa thanh niên mười tám cùng nhau chung sống”. Đây là không gian cưu mang, nuôi dưỡng cả về thể xác lẫn tâm hồn của những đứa trẻ cơ nhỡ. Thật tình cờ là hầu như tất cả các nhân vật trong câu chuyện này đều có những kỉ niệm với trại trẻ Marumitsu: Shota, Koukei, Atsuya, Haruko (một trong những cô gái viết thư cho cửa tiệm) và Kousuke (Cậu bé có gia đình phá sản, phải trốn chạy đã từng viết thư cho cửa tiệm) đều lớn lên ở đây. Đồng thời, trại trẻ mồ côi này cũng là nơi Katsuro – chàng trai trẻ với ước mơ cháy bỏng theo đuổi con đường âm nhạc đã ra đi khi cố cứu sống một bé trai trong đám cháy. Để rồi sau này, chính người chị của cậu bé năm xưa đã viết tiếp giấc mơ của anh, đưa bài hát “Tái sinh” của anh đến khắp mọi ngóch ngách của đất nước.
Thủ pháp quen thuộc trong cuốn sách là sự nhảy cóc, dịch chuyển không gian để đưa người đọc đến với những câu chuyện của các nhân vật tưởng chừng hoàn toàn chẳng có mối quan hệ với nhau: không gian căn nhà nhỏ hẹp kiêm cửa hàng bán cá của gia đình chàng nghệ sĩ Katsuro; ngôi nhà rộng lớn, giàu có với dàn loa xịn của cậu bé Kousuke; chiếc xe Civic chật hẹp của cậu con trai ông Namiya;… Cái khéo léo, tài tình của Keigo là đã để các nhân vật tình cờ gặp gỡ ở thị trấn yên ả này, liên hệ với nhau bằng những bức thư và kết thúc bằng nụ cười hay giọt nước mắt hạnh phúc, tỉnh ngộ hay tình yêu thương vô bờ bến. Ví như khi Atsuya thả bức thư trắng tinh vào khe cửa, ông Namiya đã coi bức thư ấy như tái hiện bản đồ cuộc đời của cậu – tờ giấy trắng. “Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì còn là giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất kì bản đồ nào. Tất cả là tùy ở bạn. Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời.” Kiểu không gian nửa thực nửa ảo đan xen trong “Điều kì diệu ở tiệm tạp hóa Namiya” cũng rất phổ biến với các cuốn tiểu thuyết hiện đại những năm đầu thế kỉ XXI. Tác phẩm không đi sâu vào xây dựng một thế giới giả tưởng đồ sộ như The Giver Series, Fallen hay Twilight cũng không đào sâu vào thế giới kinh dị như Raven Pass mà kiến tạo cái cốt lõi của cuộc sống đời thường, tối giản từ đó bộc bạch hết những đau đớn, cô đơn, giằng xé trong nội tâm con người và chữa lành chúng, hướng con người đến cái thiện.
Đọc tiếp: Không gian thời gian nghệ thuật trong Điều kì diệu của tiệm tạp hóa Namiya phần 5