Không gian thời gian nghệ thuật trong Điều kì diệu của tiệm tạp hóa Namiya phần 5

Không gian thời gian nghệ thuật trong Điều kì diệu của tiệm tạp hóa Namiya phần 5

Bởi Học văn cô Hà Huyền 04/11/2024

 Thời gian hỗn loạn hiện tại, quá khứ

Cuốn tiểu thuyết lấy mốc thời gian là ngày 13 tháng 9 năm 2012 làm sự kiện mở đầu cho toàn bộ câu chuyện. Đây cũng đồng thời là ngày giỗ thứ 32 của ông chủ tiệm Namiya, chỉ từ đêm đến rạng sáng ngày hôm ấy, bao nhiêu câu chuyện kì bí đã được hé mở qua những bức thư gửi đến tiệm. Thời gian kì ảo trong truyện chỉ tồn tại duy nhất ở không gian tiệm tạp hóa Namiya, cánh cửa sau nhà chính là cửa ngõ giữa thời gian thực bên ngoài thời gian ngưng đọng trong tiệm tạp hóa. Nếu cánh cửa đóng lại, thời gian sẽ không trôi đi. Ba cậu trai vào tiệm lúc 2h26 phút đêm và khi lần đầu ra ngoài kiểm tra hộp nhận sữa thời gian vẫn là 2h26 phút. Vài ngày trong tiệm tạp hóa mà chỉ như vài phút bên ngoài. Ngoài ra, chính người con trai của chủ tiệm Namiya cũng nhận xét: thời gian như ngừng lại với bố cậu, dù mắc căn bệnh ung thư giai đoạn cuối nhưng sau đêm từ tiệm tạp hóa trở về ông sống nhẹ nhàng, thanh thản, duy trì được hơn 1 năm mới mất. Thời gian câu truyện mang chất bí ẩn, lẫn chút màu sắc trinh thám như những bộ truyện trước của Keigo. Cũng vẫn là hệ thống nhân vật dày đặc, những thủ pháp nhảy cóc về mặt thời gian và điểm nhìn quen thuộc, truyện như một bộ tranh xếp hình nghìn miếng thách thức độc giả phải lắp ráp, suy luận những sự kiện để tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh. Nhưng kết thúc của câu truyện lại tươi sáng và ấm áp khác hẳn cảm giác lạnh lẽo trong những tác phẩm “chào sân” khi trước.

Thời gian hiện tại (trong câu chuyện của 3 tên trộm ở trong cửa hàng; của những người nhờ tư vấn sau 32 năm) và thời gian quá khứ (trong câu chuyện của ông Namiya và những người gửi thư) xen kẽ nhau và có sự nhảy cóc, thay đổi liên tục không báo trước đưa người đọc từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Mở đầu bằng thời gian thực tại và kết thúc cũng ở thời gian ấy với những thay đổi kì diệu trong tâm hồn của 3 tên trộm đã khái quát lên cái nhìn của Keigo với cuộc đời. Đó là niềm tin, hi vọng vào những điều tử tế và tốt đẹp luôn tồn tại, ươm mầm sâu trong tâm hồn mỗi người chỉ chờ được vun đắp là đâm chồi nảy lộc. Ba chàng trai đã sử dụng đêm màu nhiệm duy nhất của cửa tiệm Namiya để trả lời khá nhiều thư. Nhưng họ lại quên mất chính mình cũng đang đứng trước những biến động và cần câu trả lời. Và ông chủ tiệm tạp hóa Namiya đã giải đáp cho họ: “Bản đồ của bạn vẫn còn là tờ giấy trắn g… Vì còn là giấy trắng nên bạn có thể vẽ nên bất kỳ bản đồ nào.” Đó cũng là bức thư cuối cùng của ông chủ tiệm, bức thư đã khiến cho thời gian của ba chàng trai như ngừng lại để rồi họ có thêm can đảm khi mở tung cánh cửa vào lúc thờii gian trở lại nhịp độ bình thường. Vị phúc thần ấy đã rời xa thế giới 32 năm nhưng vẫn đem về thứ năng lượng tâm linh để gắn kết mọi trái tim. Hình ảnh cuối cùng trước khi gấp lại cuốn sách là ba đôi mắt ướt đẫm của ba chàng trai trước lá thư. Mạch truyện còn đưa chúng ta trở lại thế giới quá khứ. Đó là nước Nhật ở những thập niên 60, 70 và 80. Từng thân phận con người xuất hiện với những khó khăn riêng, và tất cả cùng tìm đến với tiệm tạp hóa Namiya để mong có được kim chỉ nam cho con đường phía trước. Độc giả sẽ cảm nhận được một thứ màu bàng bạc, hoài cổ, ấm áp của một thời xa xưa với Thế Vận Hội Moscow năm 1980, nhạc Beatles và nhất là những lá thư tay nồng hậu. Cuốn sách đưa ta về cái thời người ta hồi hộp từng ngày từng giờ để được đón nhận tin tức của những người ở xa. Người đọc cũng không ngừng bồn chồn khi chờ để được biết số phận của từng nhân vật ở đoạn sau.

Tiểu thuyết còn ưa tái hiện 2 khoảng thời gian trong ngày: đêm tối và rạng sáng. Đêm tối là khoảng thời gian để các nhân vật suy tư, trằn trọc, đối diện với chính số phận, cuộc đời của mình đồng thời lắng nghe, cố gắng cứu rỗi một tâm hồn đang buồn đau, lạc lối bằng những bức thư hồi âm đầy chân thành. Còn rạng sáng là thời gian các nhân vật gửi thư đi lấy bức thư trả lời của chủ tiệm với những mong mỏi, chờ mong về một giải pháp, hướng đi cho cuộc đời. Để rồi tất cả đều nhận ra: vốn dĩ những khúc mắc trong cuộc sống chỉ có chúng ta mới có thể gỡ rối, chứ không phải một ai khác. Như ông chủ tiệm tạp hóa Namiya đã nói. “Đa số các trường hợp người nhờ tư vấn đã có sẵn câu trả lời. Họ nhờ tư vấn chẳng qua chỉ muốn xác nhận điều đó là đúng mà thôi. Vì thế có những người sau khi đọc thư hồi âm thì lại gửi thư đến tiếp. Có lẽ vì nội dung thư hồi âm khác với những gì họ đang nghĩ “. Ông cũng trăn trở: “Câu trả lời của bố có tác dụng là bởi ý chí của bản thân người đó chứ không phải vì thứ gì khác. Nếu bản thân họ không muốn sống tốt, sống hết mình thì dù có nhận được câu trả lời nào cũng thế thôi”

Đọc tiếp: Không gian thời gian nghệ thuật trong Điều kì diệu của tiệm tạp hóa Namiya phần 6

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22