Không gian thời gian nghệ thuật trong Điều kì diệu của tiệm tạp hóa Namiya phần 3

Không gian thời gian nghệ thuật trong Điều kì diệu của tiệm tạp hóa Namiya phần 3

Bởi Học văn cô Hà Huyền 04/11/2024

Không gian bình dị, thực ảo đan xen trong tác phẩm

Đến với Điều kì diệu của tiệm tạp hóa Namiya, ta như lạc vào một thế giới đa chiều bí ẩn, đan xen giữa thực và ảo, lẫn chút màu sắc trinh thám. Tác phẩm là một bước ngoặt lớn, khiến độc giả phải thay đổi cái nhìn về tầm viết của Keigo Higashino. Không gian trong tiểu thuyết của Keigo không trải dài, rộng lớn, hùng vĩ mà chỉ chọn lọc những không gian nhỏ bé, chật hẹp, bình dị, quen thuộc với đời sống của người dân Nhật. Cả cuốn sách chỉ vỏn vẹn 5 chương, chủ yếu xoay quanh không gian thị trấn yên bình; cửa tiệm tạp hóa Namiya nhỏ bé, cũ kĩ; trại trẻ mồ côi Marumitsu hay ngôi nhà kiêm hàng cá của gia đình Katsuro,… Nhưng cái tài của nhà văn là đã tạo ra một sợi dây gắn kết tất cả các nhân vật cùng những địa điểm tưởng chừng chẳng hề liên quan đến nhau ấy lại.

Trước hết, tìm hiểu về không gian đã xuất hiện trong nhan đề và là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt mạch truyện – Tiệm tạp hóa Namiya. Địa điểm này xuất hiện lần đầu tiên vào thời gian hiện tại (của tác phẩm) – năm 2012 như một “căn nhà hoang”, nơi trú ẩn cho 3 tên trộm: Atsuya, Shota và Koukei sau vụ đột nhập lấy cắp tài sản ở một nhà giàu có. Đây là “một căn nhà kiêm cửa hàng không to lắm. Phần nhà ở có kiến trúc nhà gỗ kiểu Nhật, phần cửa hàng với mặt tiền rộng chừng 3,64m đang đóng.” Trên cánh cửa cuốn chỉ có một khe nhét thư, cánh cửa đằng sau có một hộp nhỏ đựng sữa, biển hiệu đã cũ đến mức khó đọc được chữ. Quay ngược thời gian về quá khứ 32 năm trước (1980), đây là cửa tiệm nhỏ bán những món đồ văn phòng phẩm và nổi tiếng với dịch vụ gỡ rối tơ lòng qua những bức thư hồi âm của ông Namiya Yūji – một ông lão hiền hậu, hóm hỉnh, thông thái, luôn nghiêm túc trả lời tất cả thư mọi người gửi đến, kể cả 30 bức thư trêu đùa của một cậu ngỗ nghịch nào đó.

Đây vừa là một không gian quen thuộc, gần gũi với tuổi thơ của những nhân vật trong câu chuyện, cũng như của người dân xứ sở Phù Tang vừa là không gian kì ảo, được bao trùm bởi sự bí ẩn, mầu nhiệm. Như một phép màu, những bức thư từ 32 năm trước được gửi đến tay của 3 cậu trai đã vô tình vào cửa tiệm. Như lời nhân vật Shota đã nói: “Khe nhận thư ở cửa cuốn và hộp nhận sữa kết nối với quá khứ. Nếu ai đó ở quá khứ thả bức thư vào tiệm tạp hóa Namiya của thời đó, lập tức bức thư sẽ được gửi đến tiệm của hiện tại. Khi trả thư hồi âm vào hộp nhận sữa ở phía sau nhà, thư được mang về quá khứ.” Khi đóng cánh cửa sau của tiệm tạp hóa thì thời gian dường như dừng lại, chỉ khi để mở cánh cửa thời gian mới trôi đi như bình thường. Và không gian này cũng chỉ tồn tại vào đúng đêm ngày 13 tháng chín, tức ngày giỗ thứ 32 của chủ tiệm tạp hóa. Chính cách xây dựng không gian nghệ thuật này đã tạo nên điểm đặc biệt hấp dẫn độc giả của câu chuyện. Cái kì ảo trong không gian nghệ thuật là cây cầu để mở ra số phận, cuộc đời cùng những tâm tư, trăn trở của toàn bộ nhân vật trong câu chuyện. Nhờ tiệm tạp hóa Namiya cùng những bức thư hồi âm đến từ tương lai mà cô gái trẻ 19 tuổi Muto Haruko đã vượt qua gánh nặng kinh tế, từ bỏ cám dỗ trở thành tình nhân của một người đàn ông đã có vợ và sống một cuộc đời có ích. Cũng tại cửa tiệm này, ông Namiya vượt qua nỗi đau mất vợ, sự cô đơn, lạc lõng cùng căn bệnh ung thư gan để sống trọn vẹn, nhiệt huyết, say sưa với công việc lắng nghe, giải đáp khúc mắc của những người gửi thư. Đồng thời, chỉ một đêm tình cờ nghỉ lại nơi đây đã gieo vào lòng 3 tên trộm những hạt giống tươi đẹp của lòng tốt, tình yêu thương và niềm tin rằng họ cũng là những con người có ích. Bởi vậy, ta có thể hiểu, đây là không gian nghệ thuật mang tính chữa lành, gột rửa căn bệnh tinh thần cho con người. Những con người nhận thư hay gửi thư cũng đều mang nỗi đau sâu kín trong tâm hồn, giống như nhân vật Atsuya luôn luôn tỏ vẻ thờ ơ, không quan tâm, thậm chí cáu kỉnh, viết thư hồi đáp cục cằn, thậm chí dùng lời lẽ châm biếm, gay gắt, mắng mỏ nhưng ẩn sâu bên trong là một cậu bé nhạy cảm, đau đớn vì tuổi thơ bất hạnh có người mẹ là một cô gái tiếp viên, bị đánh đập bởi rất nhiều người đàn ông và bị đưa vào trại trẻ mồ côi ít lâu sau đó. Nhưng chính trong thời gian ở tiệm tạp hóa, cậu đã sẵn sàng dang tay cứu giúp một cô gái trẻ đang trong hoàn cảnh lầm đường, lạc lối giống mẹ cậu ngày trước. Cuối cùng, cậu quyết định trả lại tài sản đã lấy cắp và ra đầu thú.

Đọc tiếp: Không gian thời gian nghệ thuật trong Điều kì diệu của tiệm tạp hóa Namiya phần 4

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22