Nội dung
Biểu hiện của không gian nghệ thuật trong tản văn văn học Việt Nam giai đoạn sau 1975
Nếu ở thời kì trước đó, cảm hứng sử thi và cảm hứng lãng mạn được đề cao, tôn vinh trong các tác phẩm văn học với những vấn đề to lớn, mang tính tập thể, đậm chất anh hùng ca thì đến giai đoạn này, văn học nói chung và tản văn nói riêng dần được thay thế bằng cảm hứng đời tư, thế sự. Cảm hứng thay đổi dẫn đến những không gian nghệ thuật trong văn học cũng thay đổi, thiên về tái hiện những không gian đời thường, cá nhân của con người.
Lí giải cho sự đổi thay về không gian nghệ thuật này là do chiến tranh đã đi qua. Vì vậy, đây là cơ hội để văn học dần trở lại với bản chất thực thụ. Tản văn là mảnh đất màu mỡ để những nhà văn khai thác, bộc bạch những trải nghiệm và cá tính của bản thân. Không gian trong tản văn trở thành nơi để con người phô bày tất cả những cái sần sùi, thô ráp đời thường, thế tục với nhiều những đổi thay thời đại, tiếp cận các vấn đề đạo đức thế sự. Con người đối diện với thực tại cuộc sống muôn hình vạn trạng, được đặt trong các mối quan hệ: giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người công dân, con người xã hội và con người tự nhiên, từ đó mà luôn soi chiếu, đưa ra những suy ngẫm, trăn trở về cuộc đời. Các tác giả tản văn còn trực tiếp bày tỏ thái độ trước những thay đổi của cuộc đời khi con người ta dần đánh mất bản thân, những sụp đổ về tư cách đạo đức, những can thiệp thô bạo của con người đến thiên nhiên. Vì vậy, trên bề mặt những trang sách là không gian hiện thực nhưng ẩn chứa sau câu chữ là tất cả sự nhức nhối, đau đớn, xót xa. Ngoài ra, tản văn là thể loại phù hợp với nhịp sống nhanh, sôi động, hối hả của cuộc sống vào thời điểm bấy giờ, dễ dàng tái hiện nhiều mặt đời sống. Hiếm có thể loại văn học nào có khả năng bám sát đời sống và có hiệu ứng cộng cảm cao như thể loại tản văn.
Các không gian chủ yếu được tái hiện trong các tác phẩm tản văn giai đoạn này rất phong phú, đa dạng, có thể kể đến như: vẻ đẹp thiên nhiên, phong cảnh, phong vị quê hương; những nét đẹp truyền thống trong phong tục tập quán, văn hóa dân tộc;… qua đó các tác giả thể hiện cảm quan về xã hội. Có thể kể đến một số những tác giả nổi bật đã để lại những tản văn có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trong thời kì này như: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, Mai Văn Tạo, Y Phương, Băng Sơn, Tạ Duy Anh, Đỗ Phấn, Lý Lan, Nguyễn Khắc Phê, Đỗ Chu,… Những sáng tác của họ thực sự đã làm nên sự đa diện của tản văn cũng như sự đa diện của hiện thực đời sống.
Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật trong tản văn Nguyễn Ngọc Tư phần 3