Không gian nghệ thuật trong Mười ba bến nước phần 5

Không gian nghệ thuật trong Mười ba bến nước phần 5

Bởi Học văn cô Hà Huyền 17/09/2024

Không gian huyền ảo có tính tâm linh trong “Mười ba bến nước”

Trong sáng tác của mình, nhà văn Sương Nguyệt Minh không chỉ tập trung khắc hoạ không gian hiện thực đời sống con người mà nhà văn còn xây dựng lên những không gian huyền ảo mang tính tâm linh. Hai không gian ấy có lúc được phân biệt rõ ràng nhưng có lúc nó đan xen lẫn nhau. Không gian huyền ảo thường gắn với thời gian về đêm cùng với hình ảnh của ánh trăng hoặc xuất hiện trong giấc mơ của nhân vật Sao. Không gian huyền ảo được nhà văn dựng lên nhằm gửi gắm triết lí của cuộc sống, giải toả những ẩn ức của nhân vật.             

Không gian huyền ảo gắn với những câu chuyện huyền thoại về hình ảnh con thuồng luồng xuất hiện trong tuổi thơ và giấc mơ của nhân vật Sao nơi bến sông. Từ khi sống sót qua cơn lũ khủng khiếp, Sao luôn nghĩ rằng mình đã được Thuồng Luồng dưới sông cứu sống. Rồi qua câu chuyện của dân gian kể lại “vào một đêm trăng”, “sương mù bay la đà mặt sông”, “sóng óc ách vỗ vào hang núi”. “Thằng ăn trộm người làng Yên Hạ về khuya, đò nghỉ. Chỉ gặp duy nhất chiếc thuyền đánh cá đêm chở đầy sương mù chui từ trong hang nước ra, lướt nhẹ đến”. Hắn được cô gái chở qua sông nhưng lại định dở trò đồi bại với cô gái. Nhưng hắn hoảng hốt “nhận ra cô gái chỉ có phần ngực trở lên là giống người, còn thân mình rắn, bàn chân tay nhái có màng”. Hoảng quá, hắn biết vừa chạm phải con Thuồng Luồng. Thuồng Luồng và bến nước như làn sương mù huyền thoại, bí ẩn vô cùng với tuổi thơ của Sao.

Không gian huyền ảo còn được khắc hoạ trong giấc mơ của nhân vật Sao cũng gắn liền với hình ảnh con thuồng luồng. Sao mơ về không gian đồng ruộng nơi đã hạ sinh đứa con đầu lòng. Ở đó có đám thợ gặt đội nón mê, ngồi bệt xuống cỏ hút thuốc lào chờ cho cái thai nhi hết ngáp để bỏ  vào cái liễn sành màu da lươn, đậy nắp đem đến gò Mã Giáng chôn. Lại có đêm Sao mơ thấy những cái thai ấy được bỏ trên bè chuối thả trôi ở bến nước sông Hoàng Long. Không gian bến sông có con Thuồng Luồng tóc đen dài xoã sượi, vai trần trắng, vú căng mẩy như vú con gái, nhưng mình rắn, bàn chân tay nhái có màn g mỏng bơi đến đẩy bè chuối vào bờ. Rồi những lần đi kéo vó tôm cùng chồng nơi bến sông, cô cũng mơ thấy một không gian có màu trăng bàng bạc, sương giăng mờ ảo. Cùng với đó là anh Tào đào ngũ đang đặt những hài nhi đỏ hon hỏn lên mấy cái bè chuối và dùng tay đẩy ra xa bờ. Các bè chuối quay tròn, nhẩn nha trôi... Rồi chị Sao nhảy ùm xuống nước, chìm ngỉm. Khi các vòng sóng lặng, bất chợt Thuồn g Luồng nhô lên, tóc dài đen, vai vú con gái, nhưng mình rắn. Nó đột ngột quẫy lộn đầu xuống, hai bàn chân nhái có màng giơ khỏi mặt nước. Lại ngoi lên. Con Thuồng Luồng bơi, đẩy bè chuối vào bờ... Hoảng quá, Sao căng mắt nhìn, không thấy anh Tào nữa. Mấy cái bè chuối cũng biến mất. Chỉ thấy đàn vịt trời lông trắng bay vọt lên, kêu váng mặt sông. Không gian giấc mơ với hình ảnh thuồng luồng đẩy bè chuối có cái thai của Sao vào bờ trở đi trở lại trong những không gian hư ảo nhuốm màu tâm linh. Tất cả mọi người dân làng Yên Hạ không một ai chấp nhận những cái thai dị dạng đổ lỗi cho Sao. Họ coi đó như điềm gở, ma quái nên thả nó trôi theo dòng nước mặc kệ sống chết. Bởi thế hình ảnh thuồng luồng như một biểu tượng của sự thấu hiểu, cảm thông chia sẻ. Đó là hình ảnh xuất hiện như để giải toả những ẩn ức về cuộc đời của nhân vật Sao: không sự thấu hiểu, bị người đời đối xử bạc bẽo và oan ức không thể hoá giải.

Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật trong Mười ba bến nước phần 6

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22