Tác giả cũng tập trung khắc hoạ không gian ruộng đồng cuối mùa gặt với những hình ảnh quen thuộc, gần gũi, bình dị, yên ả đến lạ lùng “cào cào, muồm muỗm dồn đến đám lúa cuối cùng” nhiều lắm, “thợ gặt bỏ liềm hái vồ tới tấp”. Sau bao năm chiến tranh tàn khốc, làng Yên Hạ mới có những ngày tháng yên bình đến thế. Nhưng đối lập với vẻ yên bình ấy lại là nỗi đau đớn đến tột cùng của nhân vật Sao. Chính tại “bờ ruộng ẩm ướt, ngổn ngang lúa tươi và cuống dạ vừa cắt” Sao đã hạ sinh đứa con đầu lòng. Đối với một người mẹ đó là giây phút hạnh phúc. Nhưng đối với cô là nỗi đau đớn và ám ảnh đến cùng cực. Cô hạ sinh “một cục thịt đỏ hỏn chỉ có cái miệng tròn tối om, há ra ngậm vào như cá mắc cạn ngáp lúc sắp chết”. Người ta bàn ngay đến chuyện đem nó chôn ở gò Mã Giáng hay thả bè chuối trôi sông. Họ cho đó là lỗi của Sao thậm chí xa lánh, ghẻ lạnh. Những đứa con dị dạng ấy đâu phải là lỗi của Sao như người ta vẫn nghĩ, vẫn thấy mà lỗi chính là nằm ở kẻ thù. Sự dị dạng của bào thai là hệ quả khủng khiếp của chất độc màu da cam mà chồng của cô đã phải hứng chịu từ cuộc tranh.
Bến nước thứ mười ba là không gian đầy xót xa, cay đắng. Lẽ ra cuộc đời người phụ nữ chỉ truân chuyên mười hai bến nước; nhưng người phụ nữ của thời hậu chiến lại phải bị xô dạt, trôi nổi thêm một bến nước nữa - bến thứ mười ba. Bến làm vợ đợi chờ chồng ra trận nơi hòn tên mũi đạn, mòn mỏi trong chiến tranh mà không được làm mẹ. Cái đau đớn, tê tái ở bến mười ba này là người vợ không phải vô sinh để làm gái tân vĩnh viễn, cô vẫn hữu sinh mà không một lần làm mẹ… Những lần sinh nở ra quái thai, quái thai bị trôi sông biệt tích; nhưng người đàn bà còn đó phải gánh lấy nỗi đau danh dự như chính tâm hồn mình bị tật nguyền.
Bên cạnh không gian tự nhiên, sinh hoạt của làng Yên Hạ, tác giả cũng tập trung khắc hoạ không gian nhỏ hẹp của căn buồng nhà chồng mà Sao ở. Cô Sao lấy anh Lãng hôm trước thì hôm sau anh phải ra chiến trận. Không gian riêng tư nhỏ bé gắn với những ngày tháng sống trong cô đơn, vò võ chờ chồng. Cô “nằm một mình ôm gối, nhớ chồng, trằn trọc chờ sáng” rồi lôi cái áo cũ bạc màu của chồng ra ấp vào mặt nhưng nỗi nhớ càng nôn nao, da diết hơn. Sương Nguyệt Minh không hề che giấu những cảm xúc riêng tư thầm kín thậm chí là cả cảm xúc ái ân của vọ chồng, trai gái – điều mà trước đây không bao giờ người ta nói đến trong thời kì chiến tranh. Không gian nhớ nhung của Sao tràn ngập những khao khát ái ân. Sao thấy vô cùng “khốn khổ” nhất là mấy ngày áp kỳ kiêng kị sử dụng sô màn của đàn bà”, “hai bầu vú cứng nhưng nhức”, “nhũ hoa sân lại”, “má đỏ hồng tươi tắn”, “mắt long lanh”, “lúc nào cũng chỉ mong chồng về”. Không gian nhỏ hẹp gắn với những khao khát rất thực của Sao. Nó như một tiếng nói chân thực mà tàn nhẫn về những gì mà chiến tranh mang lại. Tác giả đã nói đến cái khát vọng của những người vợ có chồng đi chiến đấu đến độ chân thực nhất. Nếu không có sự cảm thông, thấu hiểu và trân trọng thì tác giả không thể thấy được cái khao khát mãnh liệt của Sao.
Không gian thực trong truyện ngắn là không gian của những khát khao hạnh phúc và của những cay đắng, xót xa của người phụ nữ thời kì chiến tranh và hậu chiến tranh. Người phụ nữ vừa có những cái truyền thống nhưng cũng rất mạnh bạo và hiện đại.
Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật trong Mười ba bến nước phần 5