Không gian thực trong truyện ngắn “Mười ba bến nước”
Không gian thực trong tác phẩm chính là không gian tự nhiên, đời sống sinh hoạt của làng Yên Hạ nơi có dòng sông Hoàng Long chảy qua và không gian gia đình của nhân vật Sao. Không gian ấy được tái hiện qua hồi tưởng của chính nhân vật này ở những thời điểm khác nhau, vị trí khác nhau.
Đầu tiên, đó là không gian tự nhiên gắn với hình ảnh dòng sông Hoàng Long vào mùa lũ trong kí ức của Sao. Trời không mưa nhưng nước từ thượng nguồn đổ về khiến lũ dâng cao đầy dữ dằn “nước cuốn rều rác, cành tươi, củi khô... cuồn cuộn”. Đê sông Hoàng Long vỡ “nước réo ồ ồ”, “chó tru”, “gà quác”, “trâu, bò phá gióng”, “dê phá chuồng kêu khản giọng”, “dân kinh hoàng, nháo nhác chạy lụt như chạy loạn”. Sao kịp trèo lên cây đa đầu làng nhưng cuối cùng cũng bị lũ cuốn trôi, dạt vào gò Thuồng Luồng và nằm trơ trơ ở đó. Mẹ Sao cho rằng chính con thuồng luồng dưới sông Hoàng Long đã vớt Sao ở bến nước đưa lên đây. Đó cũng là không gian mang nỗi ám ảnh trong tâm hồn nhân vật trong suốt quãng đời còn lại.
Đó còn là không gian bến nước làng Yên Hạ. Nó không chỉ gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây mà còn gắn chặt với những bước ngoặt trong cuộc đời của Sao. Bến nước ấy là không gian chứng kiến cuộc đời, số phận nghiệt ngã và khốn nạn của chính nhân vật. Bước ngoặt đầu tiên gắn với không gian này chính là việc Sao trở thành vợ anh Lãng – bộ đội thời chiến. Sao được rước về nhà chồng bằng chiếc thuyền đi qua bến nước làng Yên Hạ. Cũng chính tại bến sông này, cô đã lấy nậm nước đem về rửa chân cho mẹ chồng để mong mẹ con hoà thuận bớt xung khắc. Thuyền cập bến cũng chính là lúc Sao cảm thấy băn khoăn: “Người ta hay ví bến đời với bến nước. Con gái mười hai bến nước. Lúc ấy, tôi chẳng biết mình đang ở bến thứ bao nhiêu”. Phải chăng đó là dự cảm về số phận, cuộc đời đầy vô định của chính nhân vật.
Không gian bến sông cũng đã chứng kiến bước ngoặt thứ hai trong cuộc đời của Sao. Sông Hoàng Long qua làng Yên Hạ chia thành hai bến tắm. “Bến tắm đàn bà phía đầu nguồn, bến tắm đàn ông ở phía hạ nguồn, cách nhau vài trăm bước”. Trong một lần tắm ở bến sông, Sao không may bị chuột rút. Anh Tào – người từng yêu Sao lại vô tình đi ngang qua thấy vậy liền xuống cứu. Đúng lúc đó, ông xã đội và hai dân quân bắt gặp. Hai người rơi vào tình cảnh đầy trớ trêu “tình ngay lí gian”. Cô bị người làng dè bỉu cho là loại người trăng gió “bạc tình”. Nước sông dù nhiều nhưng sao rửa hết được những lời đồn đại đầy cay nghiệt của thiên hạ. Bởi thế với Sao, cô điều cô lo sợ nhất chính là anh Lãng đi đánh giặc không về. Bởi cô vừa mất chồng lại chẳng có người minh oan cho mình. Và cuối cùng, ngày anh Lãng trở về cũng là ngày Sao được minh oan, lấy lại được tấm lòng trong sạch của mình.
Cay đắng, xót xa hơn cả, bến sông ấy cũng là nơi Sao quyết định ra đi. Sau năm lần sinh nở với những hình hài dị dạng và trước sự cầu xin của mẹ chồng, cô chấp nhận cưới vợ mới cho chồng. Lúc chồng cô vào phòng hạnh phúc là lúc cô ôm túi đồ, chạy cùn cụt ra bến nước, ới đò sang sông về nhà mẹ. Đó là không gian bến đời đục ngàu đầy cay đắng mà cô phải chịu đựng. Sao đã đi qua bến nước thứ mười hai của mình trong nỗi niềm tủi cực, chua chát và buồn thương.
Không gian bến nước cũng là nơi chứng kiến một quyết định táo bạo nhưng đầy nhân hậu của Sao. Khi nghe anh Tào kể lại câu chuyện về người vợ mới của chồng cũng sinh con bị dị tật. Cô vợ mới không chịu được cũng bỏ đi. Mẹ chồng thì đau ốm còn chồng cô thì lặng thầm chịu đựng. Thế là Sao quyết định qua nốt bến thứ mười ba – quay trở về nhà chồng sau li hôn. Không phải cô là người sống cam chịu, nhẫn nhục mà là một người đầy tình thương và tinh thần trách nhiệm với gia đình chồng. Bởi cô ý thức được mẹ chồng và chồng đang cần cô và hai vợ chồng cũng đang rất cần nhau. Không gian ngày trở về, ngày quyết định bước chân đến bến thứ mười ba là một không gian đặc biệt. Một không gian đầy “sương mù đã bay dầy trên mặt nước”, giữa không gian bến nước là hình ảnh của một chiếc thuyền buôn chở rất nhiều chã đất nung và liễn sành màu da lươn. Hình ảnh những chiếc liễn sành màu da lươn gắn liền với câu chuyện những cái thai dị dạng của Sao sinh ra được người làng bỏ vào nó để đem chôn ở gò Mã Giáng hay thả bè chuối trôi sông. Không phải ngẫu nhiên hình ảnh này trở đi trở lại trong nhiều không gian khác nhau của tác phẩm. Phải chăng nó chính là nỗi ám ảnh đầy mất mát của không chỉ nhân vật Sao mà còn là của cả những con người thời kì hậu chiến. Tưởng rằng chiến tranh qua đi đau thương sẽ kết thúc nhưng ai ngờ nỗi đau sau chiến tranh còn dai dẳng gấp nghìn lần. Những đứa trẻ bị dị tật chính là do hậu quả của chất độc màu da cam trong chiến tranh gây ra. “Mấy năm nay người ta dùng nhiều liễn sành màu da lươn” chính là hình ảnh khốc liệt nhất cho những di chứng mà chiến tranh để lại. Bến nước thứ mười ba mà Sao quyết định bước đến lần này nó cũng đầy những khó khăn, cản trở. Những bè chuối san sát chặn đứng trên sông chặn đằng trước đằng sau, vây chung quanh. Trước tình hình ấy, cô lái đò khuyên Sao không cập được bến này thì cập bến khác. Nhưng Sao vẫn quyết định: “Bến này đã chót sang thì sang đến cùng”. Cập bến này cũng đồng nghĩa với việc Sao phải chấp nhận biết bao nhiêu thử thách, khó khăn. Bến thứ mười ba là bến của lòng dũng cảm, của tấm lòng bao dung và nhân hậu. Sao đã vượt lên trên những dị nghị, định kiến thông thường; bước qua nỗi ám ảnh đầy đau thương để bước đến chăm lo, yêu thương, săn sóc cho gia đình chồng. Cô luôn ý thức được bổn phận của mình đối với gia đình chồng nhưng hơn hết đó là ý thức của tình người. Sao vừa có cái truyền thống nhưng cũng có những nét hiện đại, táo bạo. Đó là hai mặt đối lập trong bản chất người phụ nữ ngày hôm nay. Họ luôn đấu tranh để thoát khỏi những những ràng buộc lạc hậu của tư tưởng phong kiến, tiếp thu tư tưởng mới, khẳng định vị thế trong xã hội mới. Trong cuộc đấu tranh ấy, những người phụ nữ làng quê bao giờ cũng bị tư tưởng truyền thống lấn lướt kìm chế. Bởi ở họ, cái tình, cái nghĩa bao giờ cũng sâu nặng thuỷ chung. Họ biết làm tròn bổn phận của người con, người mẹ, người vợ, biết hy sinh và hưởng thụ.
Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật trong Mười ba bến nước phần 4