Tóm tắt
Cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa về Thi pháp học một cách rạch ròi và được mọi người nhất trí. Định nghĩa của nhà lí luận Nga V.Girmunski về Thi pháp học được mọi người chấp nhận rộng rãi hơn cả: “Thi pháp học là bộ môn khoa học nghiên cứu thi ca (văn học) như là một nghệ thuật”. Như vậy, thi pháp học có thể hiểu là một bộ môn khoa học nghiên cứu về các quy tắc, các thủ pháp nghệ thuật, các phương thức nghệ thuật, các hình thức nghệ thuật… của một tác phẩm văn học – những yếu tố góp phần tạo nên tính độc đáo của các tác phẩm đó. Bởi vậy, tìm hiểu tác phẩm văn học từ góc độ thi pháp học là một hướng đi giúp chúng ta có sự nhìn nhận đúng đắn hơn về bản chất của văn học nghệ thuật. Thi pháp học chú trọng đặc biệt đến những yếu tố hình thức của tác phẩm văn học như: hình tượng nhân vật, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, kết cấu, cốt truyện, điểm nhìn, ngôn ngữ, thể loại... Chính vì thế, bao giờ nội dung trong tác phẩm cũng phải được suy ra từ hình thức, đó là "hình thức mang tính nội dung". Do đó, phương pháp chủ yếu của Thi pháp học là phương pháp hình thức. Phương pháp hình thức là phương pháp phân tích các khía cạnh hình thức của tác phẩm văn học nghệ thuật để rút ra ý nghĩa thẩm mỹ của nó. Do đó, khi tìm hiểu về truyện ngắn “Mười ba bến nước” của nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng cần đi sâu phân tích các khía cạnh hình thức để rút ra được những ý nghĩa, thông điệp và quan niệm của nhà văn. Bài viết này đi sâu tìm hiểu tác phẩm ở khía cạnh là không gian nghệ thuật của truyện ngắn.
Từ khoá: Thi pháp học, không gian, “Mười ba bến nước”
Mở đầu
Truyện ngắn là một thể loại của văn học. Là hình thức tự sự cỡ nhỏ, nội dung thể loại truyện ngắn bao gồm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự, sử thi… nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ.
Trong truyện ngắn nói riêng và các thể loại khác nói chung thì không gian nghệ thuật chính là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Nó là một hiện tượng nghệ thuật, phạm trù nghệ thuật, là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm thể hiện quan niệm về thế giới. Việc nghiên cứu tìm hiểu về không gian nghệ thuật là rất quan trọng bởi nó góp phần tạo dựng môi trường tinh thần cho con người hoạt động, được bộc lộ bản thân. Không gian nghệ thuật còn góp phần thể hiện chiều kích tâm hồn của người nghệ sĩ, thấy được dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ, dấu ấn dân tộc, dấu ấn thời đại. Trong thể loại truyện ngắn, không gian không trải dài giống như tiểu thuyết mà nó là không gian hẹp, nhỏ bé.
Không gian trong truyện ngắn “Mười ba bến nước” của Sương Nguyệt Minh là không gian nhỏ hẹp gắn với làng Yên Hạ, với bến nước và gia đình của nhân vật Sao. Nó không phải là không gian hoàn toàn giống với hiện thực như người ta vẫn nhìn thấy trong đời sống. Nhà văn đã pha vào đấy ít nhiều huyền thoại và những éo le không dễ có trong đời thường.
Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật trong Mười ba bến nước phần 2