Không gian nghệ thuật trong Mùa lá rụng trong vườn phần 1

Không gian nghệ thuật trong Mùa lá rụng trong vườn phần 1

Bởi Học văn cô Hà Huyền 16/09/2024

Tóm tắt:

Sau năm 1975, khi đất nước ta bước vào giai đoạn mới sau chiến tranh, sự chuyển dịch kinh tế, thay đổi cơ cấu thị trường theo hướng hiện đại hoá đã khiến các tác phẩm văn học có sự thay đổi nhất định. Không còn hướng ngòi bút theo khuynh hướng sử thi, chú ý tới các vấn đề chiến đấu của đất nước nữa, văn chương thời kì bấy giờ quay trở lại với những vấn đề thế sự, những vấn đề con người. Điều ấy được thể hiện rõ nét qua thế giới nghệ thuật trong các tác phẩm văn học. Bài viết này đề cập tới không gian nghệ thuật – một phạm trù quan trọng để xây dựng thế giới nghệ thuật – trong tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” của nhà văn Ma Văn Kháng để thấy rõ những đặc điểm thi pháp và những biến chuyển về nội dung tư tưởng sau năm 1975 được khắc hoạ trong tác phẩm. 

Mở đầu

Không gian nghệ thuật là một phạm trù quan trọng việc tìm hiểu thi pháp học, là một chìa khoá giúp cho người đọc có thể hiểu được những quan niệm, tư tưởng mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Với Ma Văn Kháng, ông rất dụng công xây dựng không gian nghệ thuật trong các tác phẩm của mình, qua đó truyền tải những suy nghĩ, tư tưởng và quan niệm của mình tới người đọc. “Mùa lá rụng trong vườn” chính là một tác phẩm được ông chú ý khắc hoạ không gian như thế.

Nội dung

Vài nét về không gian nghệ thuật

Trong Từ điển thuật ngữ văn học, không gian nghệ thuật được định nghĩa là “Hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, trần thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong trường nhìn nhất định. Qua đó, thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quán tính của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao, thấp, xa, gần, rộng, dài, tạo thành viễn cảnh nghệ thuật”.

Không gian nghệ thuật thống nhất nhưng không đồng nhất với không gian vật lý hay không gian địa lý. Không gian vật chất là không gian tồn tại khách quan, nghĩa là sự tồn tại của nó không phụ thuộc vào ý thức của con người. Không gian vật chất chỉ trở thành không gian nghệ thuật khi được tác giả cảm nhận và miêu tả về nó.

Như vậy, không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật, là một hiện tượng nghệ thuật, một phạm trù nghệ thuật, là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm thể hiện quan điểm về thế giới. Việc nghiên cứu không gian nghệ thuật có thể cho ta biết được tâm lý nhân vật, bộc lộ tư tưởng tình cảm  của con người, đồng thời thể hiện quan niệm về thế giới của người nghệ sĩ.

Về tác giả Ma Văn Kháng và tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn”

Ma Văn Kháng là một trong những cây bút xuất sắc có nhiều đóng góp quan trọng trong việc cách tân văn xuôi đương đại Việt Nam. Trước thập kỉ 80, văn chương của Ma Văn Kháng mang hơi hướng sử thi hoà cùng không khí đấu tranh sôi nổi của đất nước. Nhưng khi đất nước bước sang một trang sử mới ông lại hướng ngòi bút của mình đến những vấn đề thế sự, hướng tới con người cá nhân trong cuộc sống thường nhật. Cuộc sống hiện lên trong tác phẩm của ông không còn đơn tuyến mà đa tuyến, nhiều chiều, ông quan tâm đến con người trong nhiều quan hệ, hoàn cảnh khác nhau và cố gắng thể hiện con người một cách đầy đủ nhất trong tính đa dạng và toàn vẹn như nó vốn có.

Mùa lá rụng trong vườn” là một tiểu thuyết của tác giả Ma Văn Kháng. Lấy bối cảnh một gia đình truyền thống vào những năm 80 của thế kỉ XX, cuốn tiểu thuyết phản ánh chân thực những biến động trong xã hội thời kì bấy giờ và những ảnh hưởng to lớn của nó tới gia đình – một tế bào của xã hội.

Cuốn tiểu thuyết xoay quanh gia đình ông Bằng. Ông Bằng có năm viên ngọc quý, anh cả Tường đã hy sinh ngoài mặt trận, vợ anh là Hoài đã tái giá nhưng vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi gia đình. Người con thứ hai là Đông, một trung tá đã xuất ngũ, sống cuộc sống đơn giản với Lý – một người con dâu đảm đang, nhanh nhẹn, tháo vát. Luận là con trai thứ ba, một nhà báo có nhiều trăn trở và suy tư về cuộc sống, vợ anh là Phượng, một người tốt bụng, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Trái ngược với các anh chị em, người con thứ tư – Cừ - lại là một mầm mống hư hỏng, không nghe lời cha mẹ, đã từng bị đuổi khỏi quân đội và bỏ ra nước ngoài. Cuối cùng là em út Cần đang đi học ở Liên Xô, sắp về nước.

Câu chuyện về gia đình ông Bằng diễn ra trong trọn vẹn một năm, thế nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, có rất nhiều biến cố đã xảy ra với gia đình ông. Đầu tiên là chuyện Cừ trốn ra nước ngoài rồi tự tử, vợ Cừ bị nông trường sa thải khiến ba mẹ con phải dắt díu nhau lên Hà Nội nương nhờ nhà ông Bằng. Nhận cú sốc ấy, bệnh cao huyết áp của ông Bằng tái phát phải nhập viện, rồi qua đời. Chuyện của Cừ chưa nguôi ngoai thì bi kịch khác lại ập đến. Lý cảm thấy mệt mỏi chán chường khi sống cùng Đông, chị bị ông trưởng phòng vật tư ở cơ quan dụ dỗ. Vốn là người ít học, lại nhiễm lối sống thị thành xô bồ, Lý đi lạc hướng. Chị bỏ chồng, theo ông ta vào Sài Gòn ở hẳn. Chỉ tới lúc đã đi khỏi nhà, chị mới nhận ra những suy nghĩ sai lầm của mình, viết thư tỏ ý muốn quay lại. Câu chuyện kết thúc vào một đêm giáp Tết, khi mọi người đọc thư của Lý.

Nhìn chung, trong tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn”, nhà văn Ma Văn Kháng đã đặt ra những vấn đề hết sức thiết thực và cấp thiết trong xã hội đương thời. Tác phẩm là bức tranh hiện thực cuộc sống được tác giả khắc hoạ một cách rõ nét, mọi sự kiện, mọi vấn đề, mọi sự bề bộn phức tạp được tác giả đặt ra đều chất chứa những hiện tượng xã hội đáng được quan tâm thời kì bấy giờ. Dưới ngòi bút của tác giả, khi đến với cuốn tiểu thuyết này, người đọc như thực sự được sống, được trải nghiệm đất nước Việt Nam những năm đầu thời kì đổi mới.

Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật trong Mùa lá rụng trong vườn phần 2

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22