Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn”
Không gian xã hội
Sau năm 1975, khi đất nước giành lại độc lập sau cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài, nền văn học Việt Nam cũng bắt đầu có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Văn chương không còn là những tác phẩm mang hơi hướng sử thi, xoay quanh cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc nữa, mà thay vào đó văn học bắt đầu tập trung chú ý vào cuộc sống thường nhật của con người. Không gian nghệ thuật của các tác phẩm cũng vì vậy mà thoát khỏi bom đạn chiến tranh, quay về cuộc sống bình yên, hối hả khi đất nước đang nỗ lực mỗi ngày một phát triển. Ma Văn Kháng sau một khoảng thời gian dài gắn bó với vùng đất biên ải xa xôi, nay ông quay trở về với cuộc sống đô thị đầy nhộn nhịp. Cuộc sống ấy đi vào trang văn của ông với không gian phố thị cùng đủ loại người, đủ loại cung bậc cảm xúc; với không gian công việc tại các xí nghiệp nghiêm túc, cần mẫn, giản dị nhưng cũng ẩn giấu đầy những mâu thuẫn, lo toan,…
Không gian phố thị
Với bối cảnh xã hội Hà Nội trong những ngày tháng chật vật, bí bức thời hậu chiến nghèo nàn và chế độ bao cấp nghiêm ngặt, “Mùa lá rụng trong vườn” viết về cuộc sống thành thị với lắm điều phức tạp rối ren.
Thành phố Hà Nội đương thời được miêu tả qua những nét chấm phá, qua lời kể, tả của các nhân vật trong truyện. Đó là một Hà Nội đông đúc, chật hẹp, là một Hà Nội “lộn xộn” trong mắt ông Bằng với những đứa trẻ “hư”, những xe những người đi ẩu vào giờ cao điểm. Những hàng quán ăn uống xa xỉ, phung phí, nơi mà “gánh hàng xuềnh xoàng đặt trên vỉa hè. Cạnh cái cống nước chảy sùng sục”, quan khách toàn là “các ông, bà, các cô cậu béo tốt, phây phây, môi nhờ bóng, quen ăn ngon mặc đẹp” chẳng để ý đến cảnh quan ngoại cảnh, “bâu quanh gánh hàng, ngồi trên ghế dài, ghế ngắn, ngồi cả trên hòn gạch, bệt trên vỉa hè và cả dưới lòng đường”. Nơi đó bày bán những bát bún sang” giá bằng gần nửa tháng lương của Phượng, thứ mà “còn lâu, còn lâu nữa, những người lao động bình thường như Phượng mới biết được những món ăn dành cho kẻ lắm tiền nhiều của như cái món bún mọc, tức bún giò sống này”. Đó là một thành phố “đã dần hình thành một lớp tư sản mới, phá phách, khuynh đảo xã hội” theo lời của Luận, là một nơi “đường thì hẹp mà người, xe lại quá nhiều. Nhất là ở cái ngã tư Luận vừa phải dừng lại đây: người, xe cứ xô lấn chen đẩy nhau, lấn chiếm mặt đường, bất kể một quy tắc tối thiểu, mà chẳng ai chịu đứng ra chỉ huy, xếp sắp lại”. Không chỉ vậy, nơi ấy còn có những người “rõ ràng là có biển báo đường một chiều mà ba tên mặc áo phông vàng in hình tây đầm ôm nhau vẫn cứ nghễu nghện bá vai nhau đạp xe ngược chiều”…
Không còn bom đạn chiến tranh, cuộc sống hối hả của những ngày đổi mới khiến cho người ta bị cuốn theo nó, thay đổi để phù hợp với nó. Nhưng rõ ràng, không phải sự thay đổi nào cũng là điều tốt, vì trong không gian phố thị, ta bắt gặp những con người đang dần đánh mất những nét đẹp truyền thống của dân tộc, đánh mất các giá trị đạo đức xưa cũ. Ví như đứa trẻ suýt va vào ông Bằng mà còn quay lại quát: “Bố già về mổ gà ăn mừng đi nhé”, hay người lái xe bò mà Phượng bắt gặp khi tan tầm đã nhẫn tâm đánh đập “phương tiện di chuyển” của mình mà không hề nhìn thấy sự khổ sở của nó. Ở không gian phố thị ấy, dòng người hối hả ngược xuôi để lại trong lòng người đọc rất nhiều suy ngẫm.
Không gian công sở
Không gian công sở hiện lên trong tác phẩm là không gian của “xí nghiệp in cỡ trung bình, nằm ở phía tây thành phố” nơi mà Phượng làm việc. Trong suy nghĩ của Phượng, đó là một nơi “cần mẫn, giản dị” nhưng cũng là “một thế giới của phụ nữ với bao chuyện hết sức pha tạp và vui vẻ”. Nơi ấy là nơi Phượng bị công việc thu hút, say mê mải miết với những nhiệm vụ được giao, là nơi đồng nghiệp vui vẻ ầm ĩ, khăng khăng đòi kéo Phượng tham dự vào “các trò chơi tuổi trẻ của các cô”. Đó cũng là nơi có những câu chuyện trời ơi đất hỡi, những chuyện có vẻ “ngồi lê đôi mách” được kể trong giờ hành chính, có những lời yêu cầu, những lúc căng thẳng với tính nết thất thường của bà trưởng phòng, những lúc các cô “tản ra để chia len đan thuê cho mậu dịch”…
Không gian công sở còn là toà soạn báo, nơi Luận công tác. Toà soạn Luận làm việc không được miêu tả nhiều, nhưng ở đó, ta có thể thấy hình ảnh người “nhân viên thường trực đeo kính lão số 4” đang đều đặn “đánh máy thuê trong giờ hành chính và đánh bằng máy cơ quan”. Không chỉ vậy, toà soạn ấy còn là nơi diễn ra cuộc chuyện trò đầy tính triết lý giữa Luận và ông Tổng biên tập, khiến cho Luận nhận ra nhiều điều về những biến cố, những mặt khác nhau của vấn đề đang diễn ra quanh mình.
Rõ ràng, qua việc miêu tả không gian công sở đương thời, ta có thể thấy được đời sống sau chiến tranh ở đất nước ta vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, đồng lương ít ỏi của công nhân viên chẳng thể đáp ứng được cho cuộc sống của họ. Không gian của công việc vẫn chưa thật sự nghiêm túc và hiệu quả vì họ còn phải tranh thủ kiếm thêm thu nhập từ những công việc khác như đan len, đánh chữ thuê,… để lo cho gia đình mình.
Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật trong Mùa lá rụng trong vườn phần 3