Có thể thấy giữa màu sắc u tối của tháng ngày lịch sử 1930- 1945 không gian văn học vẫn hàm chứa những nét đối lập của “cái thanh” và “cái tục” trong những tác phẩm điển hình của thời đại.
Ta còn thấy sự đối lập của cái thanh và cái tục trong tác phẩm Lão Hạc (Nam Cao) và Tắt đèn (Ngô Tất Tố). Nếu như không gian văn học trong Tắt đèn là một màu sắc u tối dưới sự thống trị của cường hào, lý trưởng, cai lệ,… thì ta lại thấy sáng ngời lên nét đẹp của một Chị Dậu đảm đang, tháo vát, yêu chồng thương con. Giữa tầng lớp thống trị độc ác, bất nhân sẵn sàng cướp đi mạng sống và tự do của người dân vô tội đại diện cho “cái tục” thì chị Dậu được Ngô Tất Tố xây dựng lên với biết bao phẩm chất quý giá. Trong những năm tháng tối tăm mịt mờ “tối như cái tiền đồ của chị”, Chị Dậu bên cạnh phẩm chất dịu dàng, một người vợ yêu chồng thương con còn là một người có sức vươn lên đấu tranh mạnh mẽ. Chị phải giằng xé đến tận đáy lòng khi bán đi máu mủ cốt nhục của mình, đó là vì tình huống cấp bách trước mắt và cũng vì gia đình, vì chồng vì con. Không bán cái Tí chồng chị sẽ bị đánh chết, cái Tí không vào nhà Nghị Quế nó có thể chết đói. Chị hành động 1 cách hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh ép buộc. Chị có thể bán mình nhưng chị không thể đánh mất đi phẩm chất lương thiện, nhân cách một người vợ, một người mẹ. Người đàn bà ấy dám thách thức đầy liều lĩnh “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”. Đó là sự phản kháng mang tính tự phát nhưng cũng là kết quả của sự dồn nén áp bức từ bọn thống trị lên đầu chị bấy giờ mới có dịp khởi phát. “Cái thanh” và “cái tục” luôn có sự đối lập rõ rệt trong giai đoạn văn học hiện thực phê phán. Sự đối lập này còn được thể hiện qua tác phẩm “Lão Hạc”. Khi sống giữa chế độ thực dân nửa phong kiến thối nát, lão vẫn giữ cho mình một phẩm chất cao quý. Lão là một người đàn ông bất hạnh nhưng có một tình yêu thương vô bờ bến dành cho con. Lão thà chết chứ nhất quyết không bán đi mảnh vườn cha ông để lại, lão muốn giữ cho con mảnh vườn dù không biết đến bao giờ thằng con lão mới được về. Lão gửi ông giáo tiền ma chay để an lòng khi nhắm mắt mà không cần phiền tới hàng xóm láng giềng, lão là một người nông dân giàu lòng tự trọng. Giữa những năm tháng u tối của lịch sử, khi cái chết rải rác khắp mọi nơi, khi cõi âm tràn vào cõi dương, sự sống của con người mấp mé với bờ vực địa phủ thì lão Hạc lại sáng lên tư cách của một người làm cha và phẩm chất của một kẻ làm người. Sự lựa chọn cái chết của lão Hạc cho ta thấy “cái thanh” có thể thua thế giữa “cái tục” xấu xa, lấn lượt nhưng con người sẵn sàng nguyện chết để bảo vệ sự trong sáng suốt cuộc đời của mình. Có thể nói, trong giai đoạn văn học hiện thực phê phán 1930-1945 sự đối lập giữa “cái thanh” của tâm hồn con người và “cái tục” của xã hội đương thời luôn được các tác giả thể hiện rõ rệt. Qua đó khiến người đọc dễ dàng nhận ra một không gian nghệ thuật điển hình qua lăng kính hiện thực phê phán 1930- 1945.
Kết luận
Không gian nghệ thuật là một yếu tố vô cùng quan trọng trong mỗi tác phẩm, nó góp phần tạo nên hình tượng nghệ thuật mà nhà văn hướng đến trong sáng tác, đồng thời không gian nghệ thuật giúp người đọc có cái nhìn khái quát hơn về hiện thực xã hội lúc bấy giờ. Trong giai đoạn văn học hiện thực phê phán 1930-1945, các tác giả thường đặt nhân vật của mình trong một cuộc sống xã hội có nét chung đó là màu sắc u tối của chế độ thực dân nửa phong kiến. Tuy nhiên mỗi nhân vật đều mang một nét đặc trưng riêng, đại diện cho một phẩm chất điển hình riêng. Từ việc xây dựng nên không gian nghệ thuật cũng như nghệ thuật xây dựng nhân vật, các nhà văn đều xoáy sâu vào tố cáo xã hội đương thời thối nát chà đạp lên quyền sống của con người. Bên cạnh đó, các nhà tri thức cũng ngầm bày tỏ sự cảm thương cho số phận và ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người nông dân lúc bấy giờ.
Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật trong giai đoạn văn học hiện thực phê phán 1930 1945 phần 1