- 2 Không gian gắn với văn hóa miền biển
Trong tác phẩm, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã sáng tạo một hệ thống các địa danh gắn với các huyền thoại biển: Đồi Con Gái, vụng Đàn Bà, bãi cát Khỏa Trần, giếng Ngọc. Các địa danh này đều gắn với câu chuyện huyền thoại về người con gái và rất nhiều sự kiện kì bí diễn ra ở đảo Man. Những địa danh này cùng với miêu tả của tác giả về các miếu, các đình chùa thờ cúng đã tái hiện khung cảnh làng chài rất đặc trưng. “Các chú không biết chứ cái vụng biển này là vụng Đàn Bà, đồi kia là Đồi Con Gái, bãi cát đây là bãi cát Khỏa Trần. Cái tên Đàn Bà, Con Gái, Khoả Trần có từ bao giờ chẳng rõ…”, “Đàn Bà nguyên là cô gái trẻ cùng gia đình thuyền chài nào đó bị bọn hải tặc hiếp chết rồi quẳng xuống biển. Một buổi chiều tối, thân xác cô gái trôi dạt vào mỏm phía bắc đảo… Dân đảo chưa kịp chôn, sáng hôm sau mối đã đùn lên xác cô thành ngôi mộ hình người con gái khổng lồ.” [2]
Bên cạnh đó, tác giả còn tái hiện không gian lễ hội của người dân vạn chài: được làm sống dậy qua lời kể của nhân vật lão Trần, không gian nàykhá đặc biệt bởi nó cho thấy rõ văn hóa và đời sống tâm linh của người dân biển qua ngòi bút Sương Nguyệt Minh. Đó là một thế hệ người dành long tôn kính của mình cho mẹ thiên nhiên, tin tưởng vào những lễ nghi, hi vọng vào sự sinh sôi nảy nở mà trời đất ban tặng cho mình. Bởi thế mà nước giếng Ngọc mới linh thiêng và khiến dân vạn chài thờ tụng đến như vậy.
- Ý nghĩa
Không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Đồi Con Gái được xây dựng mang màu sắc huyền bí, kì ảo. Không gian có ý nghĩa gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc đồng thời cũng là nơi để nhân vật thể hiện và ghi dấu ấn. Chính không gian rừng và biển đầy biến động và sâu thẳm đã khiến cho câu chuyện về cuộc đời lão Trần và người vợ thêm phần huyền ảo. Một con người kì dị, ban đêm kéo hồ ai oán, ban ngày đi lùng sục khắp các miếu, các hang động và giếng cổ khi được đặt trong không gian đảo nhỏ biệt lập với đất liền, trong những rì rào của biển đêm thì những bí ẩn trong số phận ấy mới càng lôi cuốn người đọc. Từ đó, tác giả cũng khắc họa số phận người phụ nữ miền biển, có thể nói đó là số phận đầy bi kịch khi luôn ngóng đợi tình yêu thương của đời mình, đánh cược hạnh phúc với biển khơi.
Bên cạnh đó, không gian mang đậm màu sắc huyền thoại đã khắc hoạt đậm nét số phận của con người, cụ thể hơn là người dân miền biển: sống chết, hạnh phúc hay đau khổ đều phụ thuộc vào biển, vào rừng, vào tự nhiên.
Đặc biệt, việc khắc họa không gian đảo Man và đời sống tâm linh, những niềm tin vào thần thoại đã thể hiện sự tìm tòi cũng như am hiểu của tác giả về đời sống của làng chài.
Kết luận
Không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Đồi Con Gái được sáng tạo qua ngòi bút của Sương Nguyệt Minh đã tái hiện một không gian đảo nhỏ, hoang sơ, huyền bí và đặc biệt đã gợi dẫn đến những số phận người dân làng chài đầy lam lũ, vất vả. Dù là đàn ông hay đàn bà thì họ cũng đều mang những bất hạnh riêng. Điều đó thể hiện sự cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với thân phận người và sự am hiểu văn hóa bản địa.
Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật trong Đồi Con Gái của Sương Nguyệt Minh phần 1