Tóm tắt:
Không gian nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng đối với một tác phẩm văn học. Tìm hiểu không gian nghệ thuật trong tác phẩm Đồi Con Gái sẽ giúp người đọc hiểu hơn về chất kì ảo, siêu thực trong văn chương Sương Nguyệt Minh, cũng như bối cảnh văn hóa của tác phẩm.
Từ khóa: không gian nghệ thuật, Đồi Con Gái, Sương Nguyệt Minh
Mở đầu
Không gian nghệ thuật không chỉ là đơn giản là tái hiện không gian của hiện thực chúng ta đang sống mà còn là không gian qua lăng kính sáng tạo của nhà văn, thể hiện quan niệm không gian của con người, và rộng hơn nữa là của cả một nền văn hoá. Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, có chức năng biểu nghĩa và có giá trị thẩm mĩ. Tìm hiểu không gian nghệ thuật là tìm hiểu vấn đề nội tại của tác phẩm nghệ thuật, từ đó hiểu được ý đồ nghệ thuật, quan điểm nghệ thuật cũng như phong cách sáng tác của tác giả. Việc phân tích không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Đồi Con Gái cũng phần nào giúp người đọc hiểu hơn về khuynh hướng sáng tác và phong cách nghệ thuật của nhà văn Sương Nguyệt Minh.
Nội dung
Truyện ngắn Đồi Con Gái và nhà văn Sương Nguyệt Minh
Nhà văn Sương Nguyệt Minh tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn, ông xuất thân từ quân đội, là một nhà văn hiện đại và đang được biết đến rộng rãi hơn khi tác phẩm của ông được đưa vào chương trình Ngữ Văn 10. Ông nổi tiếng với những tác phẩm viết về đề tài hậu chiến như Người về bến sông Châu, Mười ba bến nước,... Các tác phẩm của Sương Nguyệt Minh chủ yếu viết về bi kịch của con người thời hiện đại, từ nỗi đau của số phận bước ra từ chiến tranh đến những số phận con người thành thị với những nỗi cô đơn trống rỗng trong dòng chảy của đời sống. Văn chương Sương Nguyệt Minh được đánh giá là “đầy chất trào lộng, châm biếm, dí dỏm mà cũng thật chua cay...” [1]
Truyện ngắn Đồi Con Gái được sáng tác vào cuối năm 2007, sau khi nhà văn có chuyến công tác lên vùng Đông Bắc và ghé qua Quan Lạn. Chính Sương Nguyệt Minh đã chia sẻ rằng ông rất ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ kì bí, với những câu chuyện thần thoại ở nơi đây. Từ đó, ông đã sáng tác truyện ngắn Đồi Con Gái, vừa thể hiện vẻ đẹp của hòn đảo vừa gửi gắm những suy ngẫm về số phận con người. Không chỉ vậy, truyện ngắn Đồi Con Gái còn là sự chuyển mình rõ nét của nhà văn, từ những câu chuyện thế sự đời tư sang khuynh hướng kì ảo nhưng vẫn tập trung vào khắc họa số phận bi kịch của con người dưới nhãn quan giới.
Truyện ngắn Đồi Con Gái có nhiều điểm ấn tượng và bài viết này tập trung phân tích không gian nghệ thuật trong tác phẩm.
Không gian trong tác phẩm
Không gian đảo Man được tác giả khắc họa tương đối rõ nét trong tác phẩm. Không gian nghệ thuật này được sáng tạo qua ngòi bút của Sương Nguyệt Minh, vừa mang ý nghĩa văn hóa vừa có ý đồ sáng tạo nghệ thuật. Vậy không gian nghệ thuật trong Đồi Con Gái được xây dựng và thể hiện như thế nào?
- 1 Không gian như một gợi dẫn về số phận con người
Ngay từ mở đầu truyện ngắn, tác giả đã miêu tả rất chi tiết về không gian của đảo: “Tôi ra đảo Man. Hòn đảo nhỏ nhoi giữa trùng khơi vịnh Bái Tử Long. Rừng nguyên sinh nhiệt đới ẩm ướt, rậm rạp nhiều tầng, cây cổ thụ, cây tạp và dây leo nhằng nhịt... Dân vạn chài lập miếu cô hồn, thổ địa, đền thờ thần linh... ở nhiều nơi trên đảo. Mấy năm nay, luồng gió kinh tế thị trường thổi tràn ra đảo Man; vẫn chưa đủ mạnh để đảo hết hoang sơ, âm u, huyền hoặc, bí ẩn”. [2] Đây là không gian thiên nhiên rất hoang sơ, kì vĩ nhưng cũng ẩn chứa nhiều bí mật. Đó không chỉ là sự kì bí của thế giới tự nhiên mà còn là sự bí ẩn của số phận con người.
Không gian nghệ thuật bao trùm là không gian đảo nhỏ và trong đó, được nhắc đến nhiều nhất là không gian rừng và biển. Đây cũng là không gian đặc trưng của miền biển khi một bên là biển một bên là những cánh rừng phi lao chắn sóng biển. Trước hết, đó là không gian rừng. Không gian rừng được miêu tả hoang sơ, rậm rạp, cổ kính và đều là khung cảnh rừng đêm. Đặt nhân vật vào không gian này tác giả đã khắc họa phần nào sự bí ẩn khi nhân vật nhà văn liên tục đi xuyên qua những cánh rừng đêm, vừa thể hiện tâm thế sợ hãi trước sự hoang sơ đảo nhỏ, vừa gợi đến việc nhân vật đang đi tìm những “sự thật” của hòn đảo này.
Bên cạnh đó, tác giả xây dựng không gian biển, cũng tương tự với không gian rừng, biển chủ yếu được miêu tả ở trạng thái đêm với ánh trăng, những ngôi sao xa và đặc biệt nhấn mạnh ở sự bao la mênh mông của biển. Không gian biển vốn gợi lên cảm giác bấp bênh vô định, và trong truyện ngắn này những biến cố trong cuộc đời con người cũng gắn liền với không gian biển. Đó là ngày lão Trần bị bão biển đánh tan con thuyền và ông cũng nghi ngờ sự chung thủy của người vợ ở nhà. Đó cũng là ngày con thuyền của lão Trần và vợ lênh đênh trên biển săn cá mõm lợn và chính cuộc đi săn này kết thúc cuộc đời vợ lão Trần, lão Trần cũng bỏ nghề đánh cá từ đó. Có thể thấy, cuộc sống trên biển rất lênh đênh, vô định, biển cho người dân cuộc sống nhưng cũng chính biển đã chứng kiến những bi kịch của người dân vạn chài.
Như vậy, có thể thấy, việc xây dựng không gian đảo Man với rừng, biển và gắn với thời gian đêm tối đã thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả, đó là khắc họa không gian kì bí, huyền hoặc, không gian này rất phù hợp với thể loại truyện kì ảo. Chính trong không gian này, tác giả đã đặt những nhân vật “kì dị” như lão Trần hay nhân vật “kì ảo” như người phụ nữ liên tục xuất hiện trong giấc mơ của nhân vật nhà văn.
Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật trong Đồi con gái của Sương Nguyệt Minh phần 2