Thi pháp không gian trong thơ trữ tình Pushkin
Không gian của các đối cực
Bàn về thơ trữ tình Pushkin, ta không thể bỏ qua nghệ thuật phân cực trong kết cấu không gian của ông. Nét đặc trưng này bắt nguồn từ truyền thống văn hoá dân tộc Nga, người dân Nga thường có xu hướng kết hợp các đối cực khó kết hợp trong cùng một chỉnh thể nghệ thuật. Đối với Pushkin, việc xây dựng nên kết cấu phân cực trong sáng tác là một sự tiếp nối nhưng cũng đồng thời là một bước tiến mới trong truyền thống văn học Nga, thể hiện cách nhìn, cách cảm độc đáo về cuộc đời và con người. Pushkin xây dựng một kết cấu phân mảnh như chính sự giằng xé, mâu thuẫn bên trong của nhân vật nhưng bản thân nhà thơ lại luôn có ý thức rất rõ về sự hài hoà. Bởi vậy, đọc thơ Pushkin, người đọc có thể nhận ra sự phân cực tồn tại xuyên suốt trong từng khổ thơ và thậm chí là trong cùng một câu thơ, đó là sự phân mảnh của hai đối cực như giằng xé nhưng lại như đan vào nhau. Nhân vật trữ tình trong thơ Pushkin được khắc họa ban đầu trong ấn tượng về sự giằng xé nội tâm, mâu thuẫn giữa các đối cực, Pushkin để cho hai đối cực mâu thuẫn cùng lúc tồn tại và tăng tiến hết mức rồi bất ngờ chúng gặp nhau tại một điểm giữa nào đó trong không gian và chính tạo đây, ấn tượng nghệ thuật về sự hài hoà được khắc họa sâu sắc.
Sự phân mảnh không gian trong thơ Pushkin thường gắn với hai đối cực của nỗi buồn và nỗ lực vận động vượt thoát khỏi nỗi buồn. Trong khi không gian nỗi buồn thường là không gian tĩnh tại của bóng tối và lạnh giá hay nỗi cô đơn thì không gian vượt thoát khỏi nỗi buồn lại là một chiều kích động, là nơi mà nhân vật trữ tình không ngừng nỗ lực vượt thoát khỏi bóng tối và cái lạnh giá. Kết cấu không gian phân cực xuyên suốt tác phẩm “Con đường mùa đông", thể hiện sự đối chọi giữa nỗi buồn và ý thức vượt thoát khỏi nỗi buồn. Hai đối cực đó tồn tại trong mọi khung cảnh, trong mọi sự vật của bức tranh mùa đông. Đối cực của nỗi buồn là những sự vật tĩnh tại, buồn tẻ trái lại với đối cực vượt thoát nỗi buồn, nơi những cảnh vật dường như muốn bung ra, muốn vượt thoát khỏi màn đêm và sự lạnh giá:
“Trên con đường mùa đông, buồn tẻ Xe tam mã lao đi,
Lục lạc đơn điệu Mệt mỏi rung lên.”
Trong cùng một khung cảnh mùa đông, hai đối cực hiện lên giữa một bên là con đường “buồn tẻ" với một bên là cỗ xe tam mã “lao đi". Trên cái nền của nỗi buồn lại hiện lên hình ảnh lao đi của cỗ xe tam mã biểu trưng cho sự vượt thoát khỏi nỗi buồn. Trên cỗ xe đó, tiếng chuông lục lạc ngân lên “đơn điệu" nhưng vẫn kiên trì rung lên mãi, dù mệt mỏi nhưng con người vẫn lặng lẽ bước đi và cỗ xe vẫn đơn độc di chuyển.
Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật trong Con đường mùa đông phần 3