Không gia đình của Hector Malot dưới góc độ thi pháp thể loại phần 3

Không gia đình của Hector Malot dưới góc độ thi pháp thể loại phần 3

Bởi Học văn cô Hà Huyền 09/11/2024

 Không chỉ là về thành công, cụ Vi-ta-li còn dạy cho Rê-mi, và có lẽ là cho cả người lớn chúng ta nữa, bài học về sự giáo dục: “thô bạo đem lại ít kết quả, trái lại ngọt ngào thì được rất nhiều nếu không muốn nói là tất cả”“Ấy, khi mình dạy kẻ khác thì cũng là tự dạy cho mình.” Tôi chợt nhớ đến những câu chuyện vừa đáng sợ, vừa đáng buồn mà mình đã từng đọc, về những vụ việc giáo viên hành hạ học sinh, rồi thì là giáo viên xúc phạm học sinh,... Ôi! Liệu những học sinh là nạn nhân của các vụ việc đó, sau này khi trưởng thành và nhớ lại quãng đời học sinh của mình, các em sẽ cảm thấy như thế nào? Những ai đọc tác phẩm này rồi hẳn sẽ nhớ cách mà cụ Vi-ta-li dạy những chú chó trong gánh xiếc và con khỉ Giô-li-cơ của mình như thế nào. Cụ đã dạy chúng bằng chính “lòng kiên nhẫn bất chấp mọi thử thách” mà cụ đã rèn luyện được khi dạy những con vật đó biểu diễn xiếc. Bởi lẽ, đối với cụ Vi-ta-li, “nếu ông đánh đập chúng nó, chúng nó sẽ sợ sệt, mà sự sợ hãi làm tê liệt óc thông minh đi.” Nghĩ lại thực tế hiện nay, sao mà thấy đúng quá. Những đứa trẻ lớn lên trong sự thô bạo, lạnh lùng và vô cảm của cả giáo viên lẫn gia đình, đa phần các em sẽ không phát huy được hết khả năng của mình, sẽ bi quan, sẽ tiêu cực, và có thể là gặp khủng hoảng tinh thần nữa. Ngược lại, những em lớn lên trong một môi trường giáo dục tốt từ cả hai phía nhà trường và gia đình đều sẽ trở thành những con người thành đạt cả về trí lẫn về đức. Tất nhiên, “môi trường tốt” ở đây không có nghĩa là chúng ta nuông chiều trẻ quá đà hay cưng nựng quá mức. Để giáo dục được một con người thành công, chúng ta luôn cần có sự nghiêm khắc nhất định, nhưng cũng cần có sự mềm dẻo nhất định. Chúng ta cần phải biết cân bằng hai yếu tố này. Thiếu một trong hai, hẳn là việc giáo dục sẽ thất bại.

 Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi tư tưởng mọi người đã thoáng hơn, thì việc “giáo viên luôn đúng” đã không còn chính xác nữa. Giờ đây, việc lấy người học làm trung tâm được mọi người quan tâm nhiều hơn cả. Là một người giáo viên, chúng ta cũng cần phải học cách lắng nghe học sinh của mình, để có thể hiểu được các em đang muốn gì, cần gì, từ đó mà điều chỉnh việc dạy học cho phù hợp. Và cũng đôi lúc, khi mình lắng nghe chính học sinh của mình, mình cũng có thể học được điều gì đó về cuộc sống, về điều gì đó mà chính mình cũng không nhận ra được trước đây. Bản thân tôi cũng đã từng là một người xốc nổi, cục cằn, nóng tính và hay cau có, khó chịu mỗi khi người khác làm những điều không vừa ý mình. Có những hôm đi gia sư, khi gặp học sinh của mình làm bài không đúng theo như mình đã dạy, tôi đã vô cùng khó chịu mà trách cứ học sinh. Tôi đã không hề để ý đến việc học sinh của mình cảm thấy thế nào khi mà tôi đang dạy, tôi cũng không biết rằng em đã hiểu bài hay chưa. Tất cả những việc mà tôi làm khi mới đi gia sư lần đầu chỉ là trách cứ học trò và tỏ vẻ bực bội ra mặt. Học sinh của tôi đã im lặng những lúc đó. Có lẽ là do em sợ hãi quá không học được gì, mà tôi không hề hay biết. Giờ thì tôi đã hiểu ra rồi. Mình thực sự đúng là con người chưa biết lắng nghe ai cả, bởi vậy mà việc dạy học sinh của mình tiến bộ hơn luôn gặp khó khăn. Lắng nghe không đơn giản chỉ là ngồi im đấy mà mặc kệ người ta nói gì thì nói, mà là dùng trí óc để nghe và dùng tâm hồn để cảm nhận. Học sinh của tôi đã giúp tôi nhận ra điều đó, để tôi có thể tự chấn chỉnh lại bản thân mình. Tôi cố gắng đem đến cho học trò của mình những kiến thức, những kĩ năng làm bài, và học sinh thì dạy tôi rèn luyện tính khí, sự kiên nhẫn, để khoảng cách giữa giáo viên và học sinh không còn quá xa, nhưng vẫn trong chừng mực. Tôi chợt thấy những lời dạy của cụ Vi-ta-li quả thực không sai chút nào. Hector Malot đã rất thành công khi xây dựng một nhân vật mang tính giáo dục cao cho mọi thế hệ đến như vậy.

KẾT LUẬN:

 Có thể nói, cốt truyện dài phức tạp, các tuyến hình tượng nhân vật nhiều và đồ sộ cùng với sức khái quát chủ đề, tư tưởng, nhiều bài học lớn là những đặc điểm phân biệt tiểu thuyết với các thể loại khác, đặc biệt là truyện ngắn. Thông qua việc đọc “Không gia đình” dưới góc độ thể loại, ta có thể cảm nhận một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn ý nghĩa, những thông điệp và tín hiệu về cuộc sống đời thực được tái hiện lại trong từng chi tiết, từng câu từ.

Đọc tiếp: Không gia đình của Hector Malot dưới góc độ thi pháp thể loại phần 1

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22