Không gia đình của Hector Malot dưới góc độ thi pháp thể loại phần 2

Không gia đình của Hector Malot dưới góc độ thi pháp thể loại phần 2

Bởi Học văn cô Hà Huyền 09/11/2024

NHỮNG BÀI HỌC MANG TÍNH THỜI ĐẠI VÀ GIÁO DỤC ĐẰNG SAU “KHÔNG GIA ĐÌNH”:

 Vì đây là một tiểu thuyết nên tác phẩm mang đậm những nét đặc trưng của thể loại này. Tác phẩm có dung lượng dài và cốt truyện phức tạp. Đọc “Không gia đình”, ta có thể cảm thấy chỉ từ một câu chuyện cậu bé mồ côi bị bỏ rơi, mà tác giả đã phát triển thêm được nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn và lôi cuốn đến phút cuối cùng. Cả cốt truyện cũng giống như sự hình thành, lớn lên, trưởng thành và già đi trọn vẹn của một con người. Và mỗi giai đoạn khác nhau lại đem đến những câu chuyện, những trải nghiệm khác nhau.

 Tiểu thuyết cũng là một thể loại có thể đưa ra được và dẫn dắt người đọc tới nhiều bài học, thông điệp và chủ đề trong cùng một tuyến cốt truyện hoàn chỉnh. Điều này đối lập hẳn so với truyện ngắn khi chỉ tập trung vào một vấn đề đơn lẻ. Nếu “Không gia đình” được viết dưới thể loại truyện ngắn, ắt hẳn những bài học, những giá trị nhân sinh quan về cuộc sống sẽ không thể đủ dung lượng để có thể truyền tải được hết.

 Rê-mi và cuộc hành trình đầy gian nan, vất vả của chú bé đã dạy cho các em nhỏ rất nhiều bài học bổ ích về cuộc sống, về lao động,... Nhưng điều làm tôi, và có lẽ là cả nhiều người lớn nữa ấn tượng nhất, đó là những lời nói của cụ Vi-ta-li khi cụ dạy Rê-mi trước buổi trình diễn ra mắt công chúng đầu tiên của cậu bé. Khi cụ nói với Rê-mi rằng: “Cháu ơi, cháu cần có ý chí và ngoan ngoãn phục tùng. Phải làm cái gì thì cháu cố làm cho hết sức. Ở đời tất cả mọi thành công là ở đó!”, bất giác tôi chợt khựng lại để suy ngẫm. Tại sao công việc của tôi, việc học tập của tôi cứ mãi lẹt đẹt và không theo ý mình mong muốn? Đã bao nhiêu lần tôi làm bài tập về nhà của mình một cách đối phó? Đã bao nhiêu lần tôi đổ lỗi và thầm trách nhà trường vì những công chuyện trời ơi đất hỡi không vừa lòng tôi? Tôi không nhớ nữa, có lẽ là đã nhiều lắm rồi. Và sau khi đọc câu thoại này của cụ Vi-ta-li, tôi chợt hiểu ra mình đang sống sai thật rồi. Một cuộc sống mà cứ suốt ngày than trách, đổ lỗi, không có mục đích để hướng đến, làm việc hời hợt, học tập cẩu thả thì còn tư cách gì mà mong sự thành công đến với mình. Thành công sẽ không đến với mọi người. Nó chỉ đến với những con người thực sự có ý chí, nghị lực, sống và làm việc hết mình để đạt được nó. Nghĩ được thế, tôi lại đâm ra không thích những con người hay than thân trách phận và đổ lỗi cho hoàn cảnh nọ kia. Tôi đã không còn kết bạn và hạn chế tiếp xúc với những người đó, để tránh những điều tiêu cực ảnh hưởng đến tâm can của mình. Bởi lẽ, tôi hiểu rằng, tất cả những gì mình làm và nhận được trong cuộc sống này đều là do mình mà ra. Chúng ta không nên trách cứ và đổ lỗi cho bất kì điều gì, bởi lẽ hoàn cảnh chỉ là một yếu tố nhất thời mà thôi, chứ nó không quyết định rằng chúng ta thành công hay thất bại. Việc của chúng ta là hãy sống một cuộc sống có ý chí, có ý nghĩa, tuân thủ theo những gì mà công việc, môi trường quy định, và đã làm gì thì hãy làm hết sức mình. Giữ vững tinh thần ấy, rồi một ngày thành công sẽ đến.

Đọc tiếp: Không gia đình của Hector Malot dưới góc độ thi pháp thể loại phần 3

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22