Về tập thơ “Bắc hành tạp lục”
Bắc hành tạp lục là tập thơ thứ ba trong ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Tập thơ này gồm 132 bài thơ được sáng tác trong vòng một năm khi Nguyễn Du đi sứ sang Trung Hoa. Trung Hoa vốn được coi là một cường quốc, vô cùng rộng lớn và uy quyền. Chính bởi vậy, các triều đại phong kiến nước ta thường bị coi là nhỏ bé, là bề dưới và phải nhún nhường trước “mẫu quốc”. Cùng với đó, hàng năm, triều đình nước ta thường xuyên phải cử đoàn đi sứ sang Trung Hoa để báo cáo tình hình đất nước, tạ ơn và biếu cống “mẫu quốc” nhằm xây dựng và giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp giữa hai đất nước, đồng thời, để nhận được một chỗ dựa vững chắc, sự che chở của thiên triều. Vào đầu năm 1813, nhà thơ Nguyễn Du được triều đình thăng chức Cần chánh điện đại học sĩ và cử đi sứ Trung Hoa. Thực hiện trọng trách của đất nước và các vị sứ thần tiền bối đi trước, thi nhân cũng đã “tay cầm tiết ngọc, hai vai nặng trĩu sứ mệnh của nước nhà” dẫn đầu đoàn đi sứ sang phương Bắc. Tập thơ ghi chép những điều mà Nguyễn Du trông thấy, những cảm nhận mà nhà thơ thấy khi đi dọc đường từ Thăng Long sang Trung Quốc. Bắc hành tạp lục được coi là bước ngoặt trong tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Du. Bên cạnh những giá trị cao về mặt nội dung, tập thơ Bắc hành tạp lục còn đạt được rất nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc, góp phần lớn cho sự phát triển của nền văn học dân tộc. của tiếng Việt nói chung, từ ngữ và các yếu tố Hán Viêt nói riêng
Không gian và thời gian nghệ thuật trong Bắc hành tạp lục là không gian và thời gian vĩnh cửu, vượt mọi thời đại. Hành trình đi sứ sang Trung Hoa của nhà thơ được coi là một hành trình cô đơn. Chính vì vậy, trong mọi thời điểm, mọi không gian và hoàn cảnh, Nguyễn Du đều cảm thấy chỉ có một mình, ông mang trong mình nỗi buồn lẻ bóng, nhớ quê hương da diết. Thời gian nghệ thuật của tập thơ là thời gian ngưng đọng, dồn nén để thi nhân có cơ hội được hàn huyên, tâm sự với những bậc tiền nhân như Đỗ Phủ, Khuất Nguyên, Mã Viện,… Đó chính là thời gian vô hạn, thời gian thấm thoát trôi qua mỗi kiếp người, thời gian của buổi chiều tà thấm đượm nỗi buồn, nỗi cô đơn,… Thông qua những khoảnh khắc ấy, con người ta nhận ra sự chảy trôi của thời gian khiến cho họ cảm thấy trống rỗng, lẻ loi và cô đơn nhất. Đối với Nguyễn Du, thời gian trôi qua rất nhanh khiến cho nhà thơ cảm thấy buồn bã vì Nguyễn Du rất sợ tuổi già. Mang trong mình nhiều tâm tư, khát vọng, Nguyễn Du luôn cố gắng tìm cách thực hiện những hoài bão ấy nhưng khi đầu đã hai màu tóc, ước vọng của nhà thơ vẫn chưa thành. Hình ảnh “bạch đầu” xuất hiện khá thường xuyên dường như đã trở thành nỗi ám ảnh trong Nguyễn Du. Nhận ra tuổi già của mình đã đến nhưng con đường công danh vẫn như đám bụi mờ, ông vẫn còn loay hoay, lận đận, cô đơn nơi xứ người: “Tiếu ngã bạch đầu mang bất liễu” – Đông A sơn lộ hành (dịch: Cười cho mình đã bạc đầu còn lận đận chưa thôi). Cùng với thời gian, không gian nghệ thuật trong tập thơ Bắc hành tạp lục là không gian mang tầm vóc vũ trụ. Không gian mênh mông, bao la, còn con người thì lại bé nhỏ. Trên hành trình đi sứ, Nguyễn Du đã chứng kiến bao nhiêu sự bất công, hoàn cảnh đói khổ, éo le của người dân nơi đây mà nhà thơ chẳng làm được gì. Trong trái tim và tâm tư của Nguyễn Du tràn ngập sự buồn thương và trống trải khiến cho cảnh vật có đẹp đến mấy cũng trở thành quạnh hiu. Sự chảy trôi của thời gian đi cùng với không gian xa cách, nhớ nhung khiến cho thi sĩ cảm thấy bất lực trước cuộc đời mình, ông nhận ra con người thật cô đơn, nhỏ bé và mong manh. Khi nhận ra sự đơn độc nơi xứ người, thấm thía nỗi bất hạnh của cuộc đời mình, cùng nỗi nhớ quê hương da diết, Nguyễn Du chỉ biết chuyện trò với bản thân, dồn mọi suy tư vào thơ để nguôi đi nỗi niềm đơn độc, trơ trọi ấy.
Ngôn từ trong tập thơ Bắc hành tạp lục vô cùng đa dạng, phong phú, mang đậm tính chất ước lệ - tượng trưng. Tuy nhiên, tập thơ này là tập thơ mới nhất trong cả ba tập thơ bằng chữ Hán của Nguyễn Du nên có phần hiện đại hơn, gần hơn với chủ nghĩa hiện thực. Chẳng hạn như trong tập thơ xuất hiện nhiều những từ ngữ gợi hình nhằm làm nổi bật các đặc điểm của sự vật cần miêu tả. Hay để bộc lộ cảm xúc và suy tư của mình, thi nhân thường sử dụng các từ tượng thanh, tượng hình gần gũi, cô đọng, dễ gợi tưởng và làm cho câu thơ trở nên sinh động hơn. Chính vì vậy, các câu thơ của Nguyễn Du trở nên đơn giản, bình dị, chân thật, gần gũi với độc giả là dân chúng hơn. Thông qua hệ thống ngôn từ của tập thơ, ta có thể thấy được tầm vóc tư tưởng, nỗi ưu tư trăn trở về thời đại, cùng với những xúc cảm tâm sự và tâm hồn nhạy cảm của đại thi hào Nguyễn Du trước thiên nhiên, con người đã góp phần tạo nên một áng văn chương nghệ thuật tuyệt mỹ, có vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của nền văn học trung đại Việt Nam.
Đọc tiếp: Khảo sát từ ngữ biểu đạt thời gian trong Bắc hành tạp lục phần 3