Đặt vấn đề
Tiếp cận tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương người đọc có thể tìm hiểu từ nhiều góc độ khác nhau, tìm hiểu chủ thể trần thuật đem đến cho người đọc một cái nhìn khái quát về cách tổ chức điểm nhìn độc đáo của tác phẩm, về cách tổ chức kết cấu của một tiểu thuyết. Ngược lại, mỗi dạng thức kết cấu lại chi phối đến cách lựa chọn người kể chuyện, đến việc tổ chức điểm nhìn, cách xây dựng tình huống và kiến tạo cốt truyện. Các yếu tố trong nghệ thuật dựng chuyện không đứng tách rời, mà có mối quan hệ tương tác mật thiết với nhau. Soi chiếu vào tiểu thuyết Một ví dụ xoàng, dễ thấy Nguyễn Bình Phương đã vận dụng những đặc điểm kết cấu có tính cách tân mới mẻ dẫn đầu làn sóng đổi mới tiểu thuyết đương đại Việt Nam.
Nội dung
Tác giả Nguyễn Bình Phương và tác phẩm Một ví dụ xoàng
Tác giả Nguyễn Bình Phương
Nguyễn Bình Phương tên khai sinh là Nguyễn Văn Bình sinh ngày 29-12- 1965 tại thị xã Thái Nguyên. Năm 1989, Nguyễn Bình Phương thi vào trường viết văn Nguyễn Du. Hiện nay, ông là trưởng ban thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nguyễn Bình Phương là tác giả thuộc trào lưu đổi mới tiểu thuyết Việt Nam, tên tuổi ông được biết đến từ cuối những năm 90. Nguyễn Bình Phương bắt đầu viết văn từ năm 1986-1987, những sáng tác đầu tay là những tập thơ Khách của trần gian, Lam chướng, Xa than… Thành công của Nguyễn Bình Phương phải kể đến tiểu thuyết: Vào cõi, Thoạt kỳ thuỷ, Người đi vắng, Ngồi…
Nguyễn Bình Phương là nhà văn có sức sáng tác dồi dào, “người loay hoay đi tìm cách kể”. Mỗi nhà văn cho ra đời một tác phẩm mới lại được đón nhận nồng nhiệt và tạo nên sức hút đặc biệt với bạn đọc. Sức hấp dẫn từ những cuốn tiểu thuyết không chỉ được tính bằng số lượng độc giả mà còn được đông đảo giới nghiên cứu, báo chí, phê bình, dư luận quan tâm tìm hiểu. Từ Bả giời, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thuỷ… đến Ngồi là sự hoàn tất một phong cách mới. Sự trưởng thành trong ngòi bút qua từng tác phẩm gắn với thời gian lịch sử đất nước. Nguyễn Bình Phương đã mang đến cho người đọc những cảm quan phong phú và mới mẻ. Nhà văn luôn có ý thức tiếp thu cái mới với những cách tân độc đáo về cả mặt nội dung lẫn phương thức thể hiện. Đó là những đóng góp đáng ghi nhận của một nhà văn nỗ lực, sáng tạo, làm mới tiểu thuyết Việt Nam.
Giới thiệu chung về tác phẩm Một ví dụ xoàng
Một ví dụ xoàng - cuốn tiểu thuyết mới nhất, thứ mười của Nguyễn Bình Phương, được đặt tên theo câu nói của nhân vật chánh án gọi số phận của vị tiến sĩ nhiều năm trước bị ông ta tuyên án tử vì vô ý bắn chết một bộ đội trên đường chạy trốn vì buôn lậu bốn cân chè là “một ví dụ xoàng, hết sức xoàng”. Tác phẩm được chia thành hai phần:
Phần 1: Gồm 14 chương, có đoạn gần như người kể chuyện giấu mặt, kể một cách khách quan những sự kiện, câu chuyện xoay quanh Sang, Uyên, ông Chính,… đan xen vào đó là những chương, có đoạn là độc thoại nội tâm của nhân vật Sang, của ông Chính, của Uyên và của Quyết. Từ đó thấy được những góc khuất, những bí mật của những nhân vật chính, trung tâm câu chuyện.
Phần 2: Những chuyện xảy ra sau cái chết của Sang, được tổ chức thành các phân đoạn xen kẽ giữa lời kể từ ngôi nhân vật “khách” - chính con trai lớn của Sang. Những câu chuyện từ rất nhiều người mà Khách gặp gỡ để lật lên chuyện đời và những bí mật về cái chết của cha mình: Đồng nghiệp của Sang ở trường đại học, ông bán chè, bà Vân chị dâu với Uyên, con gái người dẫn tù, đội viên đội thi hành án, mộtt phu đào huyệt, một người xem hành quyết vô danh, một người bạn thuở nhỏ, ông nguyên trưởng phòng tổ chức, ông cựu chánh án Toà án tối cao….
Tác giả chỉ mượn vụ án để phơi bày ra một thời đoạn mà cái ác, cái nghèo bủa vây, thít chặt lấy con người trong một vòng tròn nghiệp oán… Câu chuyện dù vẫn được kể theo lối đan cài theo dòng ký ức - vốn là đặc trưng trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương.
Đọc tiếp: Kết cấu nghệ thuật trong tác phẩm Một ví dụ xoàng phần 2