Hình tượng tác giả trong Chú bé mang pyjama sọc phần 4

Hình tượng tác giả trong Chú bé mang pyjama sọc phần 4

Bởi Học văn cô Hà Huyền 17/09/2024

Cũng với giọng điệu mỉa mai kết hợp với sự tương phản so sánh, và xen lẫn giọng kể ngây thơ qua góc nhìn của Bruno, Boyne đã nêu bật sự hồn nhiên của các cậu bé đối lập với thực tại khốc liệt trong cuốn sách. Thomas Gray có một câu nói khá nổi ‘Ignorance is bliss’ (tạm mượn dịch sang tiếng Việt là ‘Ngu si hưởng thái bình’). Đối với Bruno và Shmuel, sự ngây thơ vô tội đã trở thành niềm hạnh phúc của hai cậu bé trong lúc vô tình bị ném vào một thời gian và không gian của nhiều điều đen tối và hiểm ác. Trong phần lớn khoảng đầu của cuốn sách, Bruno và Shmuel có những giả thuyết ngây thơ về những gì đang xảy ra với xung quanh. Tuy nhiên, về cuối cuốn sách, hai cậu bé đã bắt đầu có nhiều giả thuyết với những điều tệ hơn, xấu xa hơn về Auschwitz. Ví dụ, Bruno nói: “Em không biết vì sao chúng ta không được phép sang bên hai hàng rào. Chúng ta có gì không ổn tới mức không được phép sang bên đó chơi?” Câu nói này gợi ý rằng Bruno vô tội và không biết mục đích thực sự của trại tập trung. Cậu bé cũng tin rằng hàng rào ngăn cậu sang bên kia chứ không phải ngược lại. Giọng điệu mỉa mai được sử dụng xuyên suốt cuốn sách, để cho chúng ta thấy sự thật thông qua tâm trí của một cậu bé ngây thơ. Khi Bruno bị thương, cậu bé hỏi Pavel “Nhưng ông là người phục vụ mà.”, “Và ông gọt rau quả cho bữa tối. Làm sao ông có thể cũng là bác sĩ được.” Trích dẫn này củng cố lập trường ngây thơ của Bruno bởi cậu không thể hiểu tại sao một bác sĩ lại trở thành bồi bàn. Nhưng lý do thực sự thì người đọc đã rõ, Pavel không thể hành nghề bác sĩ vì ông là người Do Thái. Boyne đã đặt hai đứa trẻ vô tội vào một thực tế hiểm ác, sử dụng sự tương phản để nhấn mạnh sự trong sáng trong tâm hồn của các cậu bé. Khi Shmuel và Bruno gặp nhau lần đầu tiên, họ phát hiện ra rằng họ có cùng ngày sinh, Bruno nói, “Tớ không có ý bảo là không tin cậu. Ý tớ là tớ rất ngạc nhiên, chỉ thế thôi. Vì sinh nhật tớ cũng là 15.04 và tớ cũng sinh năm 1934. Chúng ta cùng sinh một ngày.” Câu nói này nhấn mạnh ý tưởng rằng Bruno và Shmuel không khác nhau lắm, tuy hai cậu sống ở hai cực đối lập của xã hội Đức Quốc xã, nhưng rõ ràng là Bruno và Shmuel không hiểu sự khác biệt đó. Họ có tâm hồn trong sáng và không tin rằng chủng tộc là nguyên nhân của sự phân biệt này.

Kết thúc

Chú bé mang pyjama sọc là một cuốn tiểu thuyết cố gắng đi sâu vào một trong những khoảng thời gian đen tối nhất của lịch sử nhân loại, nhưng theo một cách khác biệt, vẫn giữ được sự đáng yêu và vẫn có những khoảnh khắc sưởi ấm trái tim con người. John Boyne đã cho độc giả nhìn nhận về chiến tranh và tình bạn, định kiến và phân biệt, sự hồn nhiên và thực tại khốc liệt dưới một góc nhìn rất khác. Và đây cũng chính là điều khiến cuốn tiểu thuyết này có tầm ảnh hưởng thực sự lớn đến người đọc, cùng với thông điệp mà sẽ tồn tại qua nhiều thế hệ.

Trong phần cuối của cuốn sách, Boyne đã viết rằng “Và đó là kết thúc câu chuyện về Bruno và gia đình cậu. Dĩ nhiên toàn bộ truyện này xảy ra cách đây rất lâu rồi và chẳng có chuyện gì giống như thế còn có thể xảy ra nữa. Trong ngày tháng và thời đại này thì không.” Boyne liên hệ đến những xung đột và vấn đề vẫn đang diễn ra ở thực tại, đồng thời ngụ ý rằng những vấn đề về định kiến và phân biệt này vẫn đang nhân rộng khắp nơi. Boyne đã viết một cuốn tiểu thuyết hàm chứa nhiều thông điệp khó hòa hoãn, phức tạp và đầy ẩn ý.

Đọc tiếp: Hình tượng tác giả trong Chú bé mang pyjama sọc phần 1

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22