Hình tượng tác giả Nguyễn Nhược Pháp qua bài thơ Chùa Hương phần 8

Hình tượng tác giả Nguyễn Nhược Pháp qua bài thơ Chùa Hương phần 8

Bởi Học văn cô Hà Huyền 04/11/2024

      Nhân vật hiện lên trong cảnh như thực, tính cách suy nghĩ hợp với bối cảnh khiến người đọc không thể không nở một nụ cười khi đọc những vần thơ này. Cả chàng trai và cô gái trong bài thơ đều dùng những từ ngữ tả hình ảnh của thế giới hữu hình để gợi, để diễn tả thế giới tình cảm vô hình. Nhiều khoảnh khắc trong chuyến đi ta cảm giác như cả hai đắm chìm trong mộng, trong trạng thái mơ màng của những rung động tình cảm nhưng những âm thanh của cuộc sống lại đưa ta trở lại với cảnh sắc thiên nhiên thực tại. Người đọc cứ lần theo mạch chuyện được nhân vật kể lại hết sức chân thực và hồn nhiên đến ngộ nghĩnh, ta dần bị cuốn vào thế giới tâm tình rất đỗi đáng yêu và thú vị của cô gái, không chỉ trong các chi tiết về lễ hội và phong cảnh, mà quan trọng hơn nhiều là mối tình mới nhóm trong lòng cô gái dành cho chàng văn nhân "tướng mạo trông phi thường", một mối tình đầy chất sét đánh, đến ngay vào tuổi đầu đời lại diễn ra giữa một cảnh trí say lòng và nên thơ hiếm có. Có thể nói, người kể chuyện đã dựng dậy mọi biểu hiện vừa diễn ra rất nhanh, nhưng vẫn có trật tự, lớp lang của một quá trình của một cảm xúc tình yêu. Kể ra thì dài dòng, nhưng tựu trung là câu chuyện gồm hết các cung bậc tình cảm; từ cảm mến ngạc nhiên, đến bất chợt "ngẩn ngơ", từ một thứ cảm tình tựa như duyên số không thể cắ t nghĩa, đến nhận thứ lý tính "Chàng cũng cho như thế - Ra ta hợp tâm đầu", từ niềm vui thầm khấp khởi khi lửa tình mới nhóm:

.. “Đêm hôm ấy em mừng!

Mùi trầm hương bay lừng.

Em nằm nghe tiếng mõ

Rồi chim kêu trong rừng.

  … Em nghe bỗng rụng rời!

Nhìn ai luống nghẹn lời!

Giờ vui đời có vậy

Thoảng ngày vui qua rồi!”…

     “Ngày vui qua rồi” dường như là một thứ định mệnh khắc nghiệt cho những điều đang diễn ra quá đẹp, cõi mộng dừng lại cũng chẳng cũng chẳng thể đổ nguyên do vì đâu. Âm “ừng” kết thúc khổ thơ khiến cho câu chuyện đang vui bởi những lời thơ ngân nga giai điệu tươi vui bỗng khựng lại bởi thực tại. Quãng thời gian mộng kết thúc là dấu lặng cho không gian mộng, khúc hát mộng. Thơ Nguyễn Nhược Pháp giàu tính nhạc là vì vậy. Cuộc vui nào cũng có những khoảng lặng làm điểm nhấn ngân nga hướng đến hồi kết. Nhưng cái kết của Nguyễn Nhược Pháp không sầu muộn, khổ đau tuyệt vọng như các nhà thơ đương thời mà ông gieo vào lòng người đọc một chút bồi hồi, một chút lo lắng khắc khoải và cả những tín hiệu, những dự đoán về một tương lai Trời – Phật sẽ đưa con người tới với lẽ công bằng của tao hóa:

… “Ngun ngút khói hương vàng

Say trong giấc mơ màng

Em cầu xin Giời Phật

Sao cho em lấy chàng…

…Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện.”

      Lời tiên đoán kết cục vui vẻ, tinh nghịch và có duyên đến nỗi mấy lời chú thích ấy đã thành ra một bộ phận không thể tách rời của bài thơ. Điệu nhạc đang trầm, tâm tư đang tiếc nuối được cởi nút thắt đầy tinh tế, sáng tạo. Nó tạo ra điểm nhấn duyên dáng, đáng yêu cho cả bài thơ làm độc giả bao thế hệ đắm say, lưu luyến mãi. "Văn tức là người" - chỉ với một bài thơ xinh xắn và có duyên như bài thơ này, thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp đã khiến hậu thế yêu mến chàng biết chừng nào, nhất là khi ta biết chàng trai đa cảm, đa tài và tinh tế nhường ấy lại phải giã biệt cõi đời quá sớm.

KẾT LUẬN

       Nguyễn Nhược Pháp (1914 – 1938) là một thi sĩ tài năng trong thơ ca cận hiện đại Việt Nam. Tuy quãng thời gian hoạt động thơ ca của Nguyễn Nhược Pháp ngắn ngủi nhưng hồn thơ ông chứa đựng cả một gia tài về tình yêu thương và những nét đep văn hóa phương Đông. Thơ ông lãng mạn nhưng chân thực, sống động, giàu cảm xúc. Ngòi bút tinh tế của ông đã chạm đến những vẻ đẹp sâu thẳm trong tâm hồn mỗi con người, hồn thơ trẻ trung nhưng sâu lắng, có bề dày tri thức ấn tượng. Thơ ông là kết tinh vẻ đẹp của văn hóa phương Đông và phương Tây. Kết quả của sự kết hợp ấy chính là những vần thơ mới lạ trong thế giới thơ vừa chân thực, vừa lãng mạn tươi sáng; vừa hiện đại vừa ngợi ca tính dân tộc sâu sắc. Nếu như số phận cuộc đời không lấy mất Nguyễn Nhược Pháp thì có lẽ độc giả sẽ còn biết đến, quý trọng ông như một nhà thơ, nhà văn tài hoa hơn nữa.

Đọc tiếp: Hình tượng tác giả Nguyễn Nhược Pháp qua bài thơ Chùa Hương phần 1

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22