Hình tượng tác giả Nguyễn Nhược Pháp qua bài thơ Chùa Hương phần 1

Hình tượng tác giả Nguyễn Nhược Pháp qua bài thơ Chùa Hương phần 1

Bởi Học văn cô Hà Huyền 04/11/2024

MỞ ĐẦU

        Phong trào Thơ mới xuất hiện trên thi đàn Việt Nam đã tạo nên bước biến chuyển lớn trong hệ thống quan niệm sáng tác nghệ thuật của thơ ca Việt Nam.

        Trong lịch sử nghiên cứu văn học Việt Nam, đã có nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu, đưa ra các bài viết về phong trào Thơ mới. Có thể điểm tên một số tác giả xuất sắc nổi tiếng, với những sáng tác được coi là đỉnh cao của phong trào Thơ mới như: Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Thông… Tuy nhiên, có một tác giả xuất sắc thời kì này được rất ít nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu, một phần bởi cuộc đời hoạt động thơ ca, nghê thuật của ông ngắn ngủi; phần nữa do số lượng tác phẩm để lại không nhiều. Thế nhưng những sáng tác của ông lại có sức sống lâu bền, khiến người đọc yêu mến thơ nhiều hơn; thơ ra ít nhưng nhiều độc giả còn cho rằng khó ai có thể sáng tác qua được Nguyễn Nhược Pháp.

        Các tác phẩm thơ mà Nguyễn Nhược Pháp đóng góp cho sự hình thành và phát triển Thơ mới tuy rất ít nhưng những sáng tác của ông lại mang những điểm nhấn sáng tạo, mới mẻ, mang tính quyết định cho phong trào cải tiến thơ cũ.

       Bạn đọc không mến mộ tài năng của Nguyễn Nhược Pháp sao được khi chỉ bằng vài nét thơ mộc mạc, ông đã khơi dậy cả một thời xưa xa vắng trong tâm tưởng người đọc. Thời gian xưa ấy độc đáo bởi nó không được gợi lại bằng những cảm xúc khổ đau, hoài niệm hay mơ màng, mộng ước mà là không gian - thời gian xưa trở về trong kí ức với màu sắc tươi vui, chân thực, tưởng chừng ngộ nghĩnh, nông nổi mà lại sâu sắc, chính chắn lạ kì. Do vậy, trong số các tác giả nổi tiếng của Văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX ta không thể không nhắc tới Nguyễn Nhược Pháp như là một hiện tượng, một ngôi sao sáng trên bầu trời thi ca và đó là ngôi sao luôn tiên phong trong các loại hình sáng tác, ông không chỉ sáng tác thơ trữ tình mà còn cả truyện ngắn, những nghiên cứu về văn học, những quan điểm sáng tác mới thuyết phục, khẳng định hướng đi mới đầy hi vọng cho phong trào Thơ mới.

       Nói đến Nguyễn Nhược Pháp, người đọc luôn nhớ thương về một nhà thơ tài hoa mà bạc mệnh; một tác giả xuất sắc được coi là một hiện tượng trong phong trào Thơ mới với tập thơ “Ngày xưa” (1935) để lại dấu ấn ấn tượng trên thi đàn. Chẳng hề ngẫu nhiên hay xuất phát từ cảm tính cá nhân mà nhà nghiên cứu Hoài Thanh – Hoài Chân trong cuốn Thi nhân Việt Nam đã nhận xét về Nguyễn Nhược Pháp rằng: “… Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp.... Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng một người đương khúc khích cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những lối bông lơn, khó chịu của các ông tú, từ Tú Suất, Tú Xương, đến Tú Mỡ. Nó hiền lành và thanh tao. Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho nó có một địa vị trên thi đàn…” (Trích “Thi nhân Việt Nam”, Nxb Văn học, 2022 -  “đoạn 1” trang 297, “đoạn 2” trang 299).

       Trào lưu văn học mới ở Việt Nam vào những năm đầu thế kỉ XX là mảnh đất màu mỡ giúp ươm mầm và nuôi dưỡng văn thơ Nguyễn Nhược Pháp. Các sáng tác và cuộc đời ông gắn bó chặt chẽ trong giai đoạn đầu hình thành phong trào Thơ mới. Tác phẩm được đánh giá thành công, được khán giả yêu mến nhất và cũng mang dáng dấp, nụ cười, tâm hồn tươi đẹp hóm hỉnh của Nguyễn Nhược Pháp nhiều nhất chính là bài thơ “Chùa Hương”. Do đó, để đưa ra những nhận xét toàn diện và nét đặc sắc trong nghiên cứu về “hình tượng tác giả Nguyễn Nhược Pháp”, ta không thể nào không đặt tác giả - tác phẩm này trong bình diện bức tranh toàn cảnh của phong trào Thơ mới. Đây cũng chính là lí do khiến em chọn chủ đề hình tượng nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp qua bài thơ Chùa Hương để nghiên cứu, tìm hiểu.

Đọc tiếp: Hình tượng tác giả Nguyễn Nhược Pháp qua bài thơ Chùa Hương phần 2

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22