Ngôn từ của thế giới nội cảm và giàu biểu tượng, tính nhạc:
Nguyễn Nhược Pháp là một trong những nhà thơ khơi nguồn cho thơ ca lãng mạn hiện đại nhưng ông vẫn mang đến cho thơ mình hơi thở của cuộc sống thực tại qua hệ thống ngôn từ đầy gợi cảm, tượng trưng và mang âm hưởng, giai điệu của tình yêu con người, yêu cuộc sống và những yếu tố văn hóa dân tộc.
Bài thơ “Chùa Hương” không phải ngẫu nhiên được xếp vào hàng những bài thơ hay, nội dung của nó rất dài nhưng ý thơ tất cả đều sáng tỏ, người đọc sễ nhận ra cái hay trong rất nhiều chi tiết và có nhiều câu chữ thần tình mang tính đặc thù, dễ hiểu dễ nhớ nhưng để lại nhiều vương vấn, suy tư.
Trước hết, nét đặc sắc của bài thơ nằm ở chỗ hình thức của nó là bài thơ nhưng nội dung lại như một câu chuyện nho nhỏ, bài thơ kể chuyện. Tính hấp dẫn, mới lại của bài thơ cũng đến từ tính truyện của bài thơ này.
Cốt truyện trong bài thơ được nhìn từ lăng kính của cô gái, trong vai người kể chuyện “ngày xưa”. Qua lời kể, người đọc biết rằng cô gái chừng 15 tuổi, đang ở độ tuổi mới lớn và cảm giác có lẽ cô được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nề nếp, gia giáo bởi lời ăn, tiếng nói, cách cảm, cách nhìn nhận của cô đầy sự tinh tế, chỉnh chu, nhã nhặn. Vẫn còn đâu đó cái nhìn hồn nhiên, sự ngây ngô của một thiếu nữ lần đầu tiên được đi chơi xa, đi chảy hội ở một không gian rộng lớn như chùa Hương.
Trong bài thơ Chùa Hương, tác giả nhắc đến những hình ảnh có thực và sử dụng cả những hình ảnh ước lệ nhưng là gợi nhắc trong tâm tưởng, trong trí nhớ để diễn đạt những ý niệm mà người đọc cần phải dùng các giác quan, thậm chí cả trực giác để nắm bắt, cảm nhận. Những hình ảnh, những cảm xúc trong bài thơ này không chỉ là sự khách thể hóa một cảm xúc của cái tôi trữ tình; không phải là những hình ảnh dễ dựng lại bằng hội họa, cũng không thể nói nó được nắm bắt cụ thể bằng giác quan nào; cũng không thể giải tích mạch lạc bằng lý trí. Người đọc chỉ có thể cảm nhận vẻ đẹp lung linh, đa nghĩa bằng trực giác thông qua sự chiêm nghiệm của tổng hòa các giác quan mà thôi. Mỗi lần đọc bài thơ, người học lại một lần được sống, được khám phá lại cuộc sống thời dĩ vãng xưa. Nguyễn Nhược Pháp không chỉ tài tình khi tái hiện lại được không gian mộng, cảnh sắc xưa mà còn tái hiện lại cả tâm hồn, tình cảm của con người thời son trẻ ngày xưa đầy ngây thơ, trong sáng, đáng yêu vô cùng:
… “Em đi, chàng theo sau
Em không dám đi mau
Ngại chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu…
… Em mơ, em yêu đời,
Mơ nhiều... Viết thế thôi
Kẻo ai mà xem thấy
Nhìn em đến nực cười”...
Đọc tiếp: Hình tượng tác giả Nguyễn Nhược Pháp qua bài thơ Chùa Hương phần 8