Về ngôn ngữ:
Ngôn ngữ thơ tự nhiên, giản dị
Với sự nhạy cảm và tinh tế trong lời viết của mình, Nguyễn Nhược Pháp đã tạo ra những bài thơ trữ tình đầy cảm xúc và sâu sắc, giúp cho người đọc cảm nhận được tình yêu và những cảm xúc trong đó một cách chân thật và tình cảm. Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp đã ghi danh vào lòng người đọc với tình cảm và lòng yêu mến sâu sắc. Tài năng đa dạng, tâm hồn nhạy cảm và sự tinh tế của ông để lại dấu ấn khó phai trong lịch sử văn học Việt Nam. Ngôn từ trong thơ rất tự nhiên, gần với ngôn ngữ của tiếng nói giúp gợi nên một thế giới mang vẻ đẹp lạc quan vừa mơ màng, vừa sống động, chân thực và chi tiết đến ngỡ ngàng.
Cụ thể, khi đọc bài thơ bài thơ Chùa Hương ta thấy nội dung của bài rất dài, nhiều câu từ chi tiết và chân thực đến thần tình, tất cả đều được tái hiện lại sáng rõ như những sự việc ấy đang diễn ra trước mắt độc giả. Bởi vậy, toàn bộ bài thơ giống như một câu chuyện được kể theo hình thức thơ dưới con mắt quan sát của nhưng người trẻ trung vậy. Trước đây, trong văn học trung đai Việt Nam đã có tác phẩm mang dấu ấn như vậy như: truyện Kiều (Nguyễn Du),…Tuy nhiên, truyện Kiều mượn lại tích cũ và sử dụng thể thơ luc bát để thuật lại cốt truyện nên không tránh khỏi việc bị gò bó trong nội dung tư tưởng văn hóa trung đại và hệ thống niêm luật của thơ cũ quy định. Những biến chuyển trong tiếp biến giữa văn hóa phương Đông và phương Tây ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX đã tạo ra nhu cầu muốn thoát khỏi vỏ bọc nhân thế hoài cổ, tìm đến những lối viết mới mẻ hơn. Vì vậy, bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp đã đáp ứng phù hợp với nhu cầu của độc giả thời đại lúc bấy giờ.
“Khăn nhỏ, đuôi gà cao
Em đeo dải yếm đào
Quần lĩnh, áo the mới
Tay cầm nón quai thao”…
… “Thuyền nan vừa lẹ bước
Em thấy một văn nhân.
Người đâu thanh lạ nhường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?”…
Đọc bài thơ Chùa Hương, ta thấy Nguyễn Nhược Pháp viết thơ theo lối tự nhiên, dung dị, phóng khoáng, không hề có dấu vết của việc gọt dũa câu từ, khác hẳn với lối mòn của thơ ca trung đại. Tác giả không sử dụng nhiều biện pháp tu từ, nếu có sử dụng thì các phép tu từ thường giản đơn, mềm mại. Nhờ vậy cả bài thơ gần gũi như một câu chuyện thú vị nho nhỏ, ý tứ rất trong trẻo, dễ gần, dễ phải lòng yêu mến mà lại tạo sự nhớ nhung, thiện cảm sâu sắc.
Ngôn từ mới mẻ làm lạ hóa nội dung xưa cũ:
Thơ Nguyễn Nhược Pháp có chủ đề xuất phát từ vấn đề truyền thống. Bài thơ “Chùa Hương” cũng bắt nguồn từ cảm hứng một câu chuyện kể về buổi du xuân trong lễ hội chùa Hương, một điểm đến tâm linh nổi tiếng ở Việt Nam. Tuy nhiên, cách dẫn truyện, lời lẽ trong từng câu thơ lại gợi cho người đoc nhiều suy tư khác lạ, không sáo mòn như trong thơ ca cổ. Cả bài thơ giống như một bức tranh không gian đa chiều đẹp đầy mộng ảo, rất thơ, rất tình cảm và non trẻ.
Tài năng của nhà thơ thể hiện ở chỗ, Nguyễn Nhược Pháp tạo ra sự kết hợp từ ngữ rất mới, táo bạo nhưng không gây sốc, trái lai rất dễ chịu, mang hơi thở êm dịu của thời đại. Ông dày công tạo nên nhân vật trữ tình với diện mạo mới trẻ trung, không còn già nua, u sầu với nhân tình thế thái nhưng cũng không hề Tây hóa; vẫn giữ nét rất duyên dáng trong tổng hòa giữa mối quan hệ mang vẻ đẹp truyền thống nhưng lại toát lên nét hóm hỉnh, hồn nhiên, trong sáng và quan điểm hiện đại về tình yêu, về cái tôi rõ rệt, đĩnh đạc trong hành động ứng xử. Đó chính là biểu hiện mang tính lãng mạn, tính hiện đại, là luồng gió mới lạ đối với người đọc.
Đọc tiếp: Hình tượng tác giả Nguyễn Nhược Pháp qua bài thơ Chùa Hương phần 7