Hình tượng tác giả Nguyễn Nhược Pháp qua bài thơ Chùa Hương phần 2

Hình tượng tác giả Nguyễn Nhược Pháp qua bài thơ Chùa Hương phần 2

Bởi Học văn cô Hà Huyền 04/11/2024

Ý thức nghệ thuật và vị trí của Nguyễn Nhược Pháp trong phong trào Thơ mới:

 Ảnh hưởng của Nguyễn Nhược Pháp trong phong trào Thơ mới:

       Sự ra đời của phong trào Thơ mới xuất phát từ nhu cầu nội tại của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ 20. Khi làn sóng văn hóa phương Tây tràn vào Việt Nam, việc thơ ca cách tân ra đời là điều tất yếu, cũng là một trong những nhu cầu tiến bộ cấp thiết và là sản phẩm của sự thay đổi thời thế trong quá trình văn hóa phương Đông tiếp xúc, tiếp thu dung nạp, bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây.

      Hàng loạt các tác phẩm mới ghi dấu tên tuổi của các tác giả mới ra đời như: “Nhớ rừng” của Thế Lữ, “ông Đồ” của Vũ Đình Liên, “Chùa Hương” và Mị Châu Trọng Thủy của Nguyễn Nhược Pháp, chùm các sáng tác của Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính …đã phản ánh đời sống tinh thần dân tộc mang tầm thời đại, mang tính lịch sử. Đó là sản phẩm kết tinh từ trí tuệ, tài năng và tâm hồn của một thế hệ lịch sử vàng son của văn học Việt Nam nói chung.

      Văn hoc Việt Nam từ đây rẽ sang một hướng mới, mang trong mình âm hưởng hiện đại theo quỹ đạo phát triển chung của thế giới và là khởi đầu mang tính bước đệm quyết định sự phát triển của thơ ca dân tộc giai đoạn sau năm 1945.

      Nguyễn Nhược Pháp thuộc thế hệ nhà văn, nhà thơ xuất sắc ấy. Ông được sinh ra trong một gia đình trí thức có tiếng ở Hà Nội, là con trai của văn hào Nguyễn Vĩnh. Nhờ vậy mà ông có cơ hội tiếp xúc với văn học phương Tây từ sớm, lại được đào tạo bài bản từ nền giáo dục Tây học cho nên con đường đến với văn chương của Nguyễn Nhược Pháp tới một cách tư nhiên, thuận lợi, không gập ghềnh sóng gió như bao nhà văn đương thời khác.

     Tuổi thơ của Nguyễn Nhược Pháp đau buồn khi mất mẹ từ nhỏ nhưng điều may mắn là ông được mẹ cả (tức vợ cả của văn hào Nguyễn Vĩnh) dày công yêu thương, chăm sóc và tạo điều kiện cho học hành như con đẻ của bà. Vì vậy, nỗi buồn tiếu thốn tình cảm của ông cũng được bù đắp phần nào. Có thể nói, nhờ có mẹ cả mới có một Nguyễn Nhược Pháp trưởng thành, hào hoa, lịch thiệp với nội tâm sâu sắc, tinh tế đến vậy. Kí ức thời thơ ấu của Nguyễn Nhược Pháp là cả gia tài về tình yêu văn hóa gia đình và thừa hưởng trái tim đầy trắc ẩn từ mẹ; là lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc và ý thức muốn đổi mới, làm cho đất nước tiến bộ từ cha; là những năm tháng thăm trầm, lăn lộn dấn thân vào văn học của tuổi trẻ trong xã hội đầy biến chuyển, biến động. Tất cả góp phần hun đúc lên hồn thơ, hình tượng Nguyễn Nhược Pháp với vẻ bề ngoài lãng mạn, tươi sáng, hóm hỉnh, khí chất tao nhã nhưng bên trong lại đầy lắng đọng, suy tư. Đọc thơ ông, người đọc nhận ra bóng dáng Nhược Pháp hiện hữu đâu đó, lúc thì hư hư thực thực, hào hoa đẹp như mộng; lúc lại trăn trở, suy ngẫm buồn vui thế sự nhân gian, truyền thống dân tộc trong guồng xoáy xã hội đa chiều.

Đọc tiếp: Hình tượng tác giả Nguyễn Nhược Pháp qua bài thơ Chùa Hương phần 3

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22