Hình tượng nhân vật cô đơn trong Phía sau nghi can X phần 1

Hình tượng nhân vật cô đơn trong Phía sau nghi can X phần 1

Bởi Học văn cô Hà Huyền 08/11/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Nguồn gốc nỗi cô đơn của loài người và nguồn gốc nỗi cô đơn của con người Nhật Bản.

Đầu tiên, xuất phát từ quan niệm của di truyền học, người ta cho rằng tâm thức cô đơn của con người có mầm mống từ thời xa xưa, khi tổ tiên của chúng ta là những loài linh trưởng luôn phải sống theo bầy đàn để thuận tiện cho việc kiếm ăn cũng như tự bảo vệ bản thân. Vì vậy khi bị tách ra khỏi bầy đàn, bộ não sẽ phát đi tín hiệu cảnh báo, khiến ta sợ hãi, lo lắng, bồn chồn, đó chính là biểu hiện của cảm giác cô đơn… Có ý kiến lại cho rằng nỗi cô đơn thật sự, nỗi cô đơn kinh niên của con người chỉ xuất hiện từ thế kỉ 19. Nó “là đứa con của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa duy vật”. Xã hội hiện đại với rất nhiều sự chia rẽ và phân cấp dẫn tới sự đề cao chủ nghĩa cá nhân, cái tôi riêng tư,... Cụ thể hơn, từ khi chủ nghĩa tư bản lên ngôi, những giá trị ngoại tại ngày càng được xem trọng, tình cảm và lí tưởng mất dần địa vị, con người bị lệ thuộc vào vật chất dù có tự nhận ra hay không nhận ra. Chủ nghĩa cá nhân tạo điều kiện cho con người đi sâu vào khám phá thế giới tâm thức sâu bên trong của chính mình, nhưng nói như Hoài Thanh là “càng đi sâu càng lạnh”. Lần đầu tiên nhân loại phát hiện ra, dù thân thể có kề bên nhau thì con người vẫn cứ cô đơn. Tâm hồn mỗi người là một hành tinh cô độc giữa thiên hà rộng lớn. Bài viết này nghiêng về ý kiến thứ hai.

Không chỉ sự vận động chung của xã hội loài người dẫn tới cảm giác cô đơn. Mà ở Nhật Bản, cô đơn dường như biến thành đặc trưng lối sống, đặc trưng tâm thức của con người trên đất nước này. Lí giải cho điều đó, có thể nhìn từ nhiều khía cạnh. Xét về vị trí địa lí, toàn bộ diện tích Nhật Bản nằm tách biệt với phần đất liền khác của Châu Á, biến đất nước này trở thành một quốc đảo riêng rẽ, bao quanh bốn bề là đại dương mênh mông. Vị trí đặc biệt ấy tạo nên sự thiếu tính liên kết giữa Nhật Bản với thế giới, con người Nhật Bản cũng quen với sự khép kín trong nỗi cô đơn của chính mình. Bên cạnh đó, có rất nhiều giải thích cho ý chí và nghị lực phi thường của con người Nhật Bản, nhưng ở đây, ta quan tâm tới khía cạnh khác: một trong những kết quả tất yếu của sự chủ động, độc lập đó là lối sống trầm mặc, khép kín, thiên về nội tâm, bởi thế mà dễ cảm thấy cô đơn.

Trước khi là một nhà văn, Higashino Keigo là một người Nhật Bản, và ông cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bằng hiểu biết sâu sắc, sự suy tư và chiêm nghiệm của chính mình, ông đã thành công thể hiện những con người mang nỗi cô đơn không nói thành lời trong Phía sau nghi can X, đặc biệt là thông qua nhân vật Ishigami. Đi ngược lại quan niệm thông thường về tiểu thuyết trinh thám xưa nay, cho rằng truyện trinh thám chỉ là thứ văn học để giải trí, bằng “giọng văn tỉnh táo và dung dị, Higashino Keigo đã đem đến cho độc giả hơn một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Mô tả tội ác không phải điều hấp dẫn nhất ở đây, mà là những giằng xé nội tâm thầm kín, những nhân vật bình dị và sự quan tâm sâu xa tới con người.” Bài viết này tập trung vào Ishigami - một trong những nhân vật trung tâm và cũng là nhân vật ẩn chứa nhiều bí mật nhất. Khi những bí mật dần dần được phơi bày, ta sẽ nhìn rõ được bức chân dung cô đơn tới tận cùng được bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.

Đọc tiếp:  Hình tượng nhân vật cô đơn trong Phía sau nghi can X phần 2

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22