Thế thì bi kịch lỡ làng trong tình yêu của con người đến từ đâu? Nguyễn Bính cũng không dưới một lần khắc khoải đi tìm câu trả lời. Thiết nghĩ, một trong những lí do lớn nhất (có thể tìm thấy trong thơ Nguyễn Bính) khiến cho đôi người chẳng thể “gặp gỡ” được nhau, ấy chính là họ cứ lặng im, cứ ngần ngại, cứ chẳng đủ tự tin mà nói lên tiếng lòng của mình. Cái lỡ làng giờ đây đồng hiện trong sự im lặng - nghĩa là không gặp gỡ, nghĩa là tan giấc mộng thành đôi. Cái im lặng vô hình vô ảnh lại hóa thành giậu mồng tơi ngăn cách đôi bên:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờ n.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có giậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
(Cô hàng xóm)
“Giậu mùng tơi” là một trong những hình ảnh hiển hiện rõ nhất mặc cảm ngăn cách trong thơ Nguyễn Bính. Chính vì mặc cảm ấy khiến người ta dù có tình cảm với nhau là thật đi chăng nữa cũng chẳng thể “gặp gỡ” nhau, thấu hiểu và tin yêu nhau. Ao ước “Giá đừng có giậu mùng tơi”, vì thế cũng chính là ao ước có thể vượt qua mặc cảm ngăn cách trong lòng mình để dũng cảm khẳng định tình yêu. Nhưng tất cả rồi cũng chỉ là “giá như…”
Cảm thức lỡ làng không chỉ cho “phận mình” mà còn là nỗi niềm đầy cảm thương, tiếc cho đời “chị” - một người con gái như bao người con gái trong xã hội xưa, ngậm ngùi, đắng cay chịu kiếp “lỡ bước sang ngang”. Lỡ dở là khi giấc mộng va đập với hiện thực, thành ra tan vỡ:
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộn g vàng từ đây
(...)
Một lần này bước ra đi
Là không hẹn một lần về nữa đâu…”
Thế có nghĩa là, bi kịch lỡ dở đâu phải bi kịch của một người, một đời. Nó là bi kịch đã có tự muôn kiếp. Biết bao thân phận đã sống một cuộc đời lỡ dở, đã trải qua những cuộc tình lỡ dở. Nhất là những người con gái, ôm ấp cho mình những mộng đẹp về tình yêu, nhưng nhận lại thì chỉ là những mối duyên “lỡ bước”, đành nhắm mắt đưa chân mà ngậm ngùi chịu đựng. Bi kịch lỡ dở trong bài thơ này có sức khái quát lớn hơn, được thể hiện xót xa đến ám ảnh:
(...)Mườii năm gối hận bên giường
Mười năm nướ c mắt bữa thường thay can h
Mười năm đưa đám một mình
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên
Mười năm lòng lạnh như tiền
Tim đi hết máu mà duyên không về.
(Lỡ bước sang ngang)
Thêm một giấc mơ tan vỡ, thêm một kiếp người lỡ dở: “Thế là tàn một giấc mơ/ Thế là cả một bài thơ não nùng”. Bởi trót lầm nên mới lỡ, bởi trót hi vọng nên mới thất vọng, bởi trót tương tư mà gặp hiện thực phũ phàng:“Mười hai bến nước xa lăng lắc/ Lầm tự ngày xưa, lỡ đến giờ.”. Nguyễn Bính viết nhiều, viết hay về con người lỡ dở như thế có lẽ xuất phát ngay từ chính cuộc đời và (những) cuộc tình của ông. Gặp gỡ nhiều nhưng “gặp gỡ” thì chẳng thấy, cứ khắc khoải đi tìm, khắc khoải mộng mơ để rồi vỡ tan khi đối diện với hiện thực. Con gái nhà thơ - bà Nguyễn Bính Hồng Cầu chia sẻ: “Hồi nhỏ, tôi cũng giận ba tôi lắm. Nhưng lớn lên tìm hiểu, tôi vỡ lẽ, cuộc đời ba tôi bất hạnh nhiều. Nhiều vợ nhưng không ai hiểu ông. Và ông cứ phải đi tìm cái bóng hạnh phúc cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vào đêm giao thừa năm 1966…”
Kết luận
“Thơ ca mãi mãi là cái đỉnh cao nổi tiếng ấy, cao hơn tất cả các ngọn núi Anpơ, nằm lăn trong cỏ, trước chân ta, đến độ chỉ cần cúi xuống một chút là ta có thể nhìn thấy nó và nhặt nó lên”. Câu nói nổi tiếng ấy của nhà thơ Nga Pasternac phải chăng cũng chính là nói về thơ Nguyễn Bính: những vần thơ giản dị của ông cứ tồn tại và sống đời sống riêng của nó. Nó tồn tại như lẽ tự nhiên của cuộc đời vốn tồn tại như vậy. Nó như một bảo tàng cất trữ những “mã văn hóa” để chúng ta tìm thấy một mảnh hồn với những cảnh, những tình, những tâm sự rất Việt Nam, trong đó có những tâm sự về cái lỡ dở của tình cảm, của phận người.
Nhà phê bình văn học Ngô Thảo từng chia sẻ: “Người Việt bây giờ sống xa xứ rất nhiều. Sống ở xứ người thì đã hẳn. Nhưng bao người sống ở trong nước mà không còn cư trú ở làng quê. Tất cả họ tìm thấy trong những vần thơ Nguyễn Bính tiếng lòng và sự đồng vọng nhữn g tình cảm thiêng liêng của họ.”
Nhà báo Trác Thúy Miêu từng nói: “Thời gian qua đi, chúng ta sẽ quên đi người tình, nhưng cuộc tình là thứ ở lại mãi.” Chừng nào mỗi chúng ta còn biết yêu, còn tương tư, còn ôm ấp hi vọng lẫn nếm trải những ngậm ngùi, dở dang, lỡ làng trong tình yêu, chừng đó những câu thơ của Nguyễn Bính vẫn còn nói hộ lòng ta nhiều lắm.
Đọc tiếp: Hình tượng con người lỡ dở trong thơ Nguyễn Bính phần 1