Vài nét về hình tượng nhân vật trữ tình và cái tôi trong Thơ Mới Hình tượng nhân vật trữ tình
Nhân vật trữ tình (tiếng Nga : liricheskyi geroi) là hình tượng nhà thơ trong thơ trữ tình, là phương thức bộc lộ ý thức tác giả. Nhân vật trữ tình là con người “đồng dạng” của tác giả – nhà thơ hiện ra từ văn bản của kết cấu trữ tình (một chùm thơ, toàn bộ trường ca hay sáng tác thơ) như một con người có đường nét hay một vai sống động có thế giới nội tâm cụ thể hay số phận cá nhân xác định, đôi khi có cả nét vẽ chân dung (mặc dù không bao giờ đạt tới đặc điểm của một nhân vật như trong tác phẩm kịch hay tự sự).
Bắt đầu từ các nhà mỹ học thế kỷ XVIII – XIX, như Hegel, thơ trữ tình được xem như là sự biểu hiện của chủ thể và cả m thụ của chủ thể. Ông nói : “Cần phải khẳng định một chủ thể cụ thể – nhà thơ, như là điểm tập trung và là nội dung đích thực của thơ trữ tình”. Các nhà lý luận văn học Liên Xô như L. I. Timôthê Esv, G. N. Pospelov xác định nội dung trữ tình là tính cách xã hội được thể hiện qua nhân vật trữ tình. Một thời gian dài người ta đồng nhất con người trong thơ và tác giả thơ. Vì thế năm 1921, Tynianov mới nêu ra thuật ngữ “nhân vật trữ tình để nhằm vạch một ranh giới giữa người trữ tình trong thơ và tác giả –nhà thơ. Đó là một bước tiến.
Cái tôi trong Thơ Mới
Cái tôi là đặc trưng và là một điểm mới của phong trào Thơ Mới. Nhà phê bình Hoài Thanh từng nói: “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùn g một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên … và tha thiết, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Nói như vậy để ta thấy, phong trào Thơ Mới xuất hiện chưa tới 10 năm (1932 – 1941) nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm và văn học Việt Nam phải mất bao lâu nữa mới có thể bắt gặp hàng loạt các ngôi sáng như thế này. Phong trào Thơ Mới được xem là một cuộc cách mạng khi chuyển đổi từ cái ta (cổ điển trung đại) cho đến cái tôi cá nhân
Trong nghiên cứu hình tượng nhân vật trong thơ, các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận: “Thơ không xây dựng các hình tượng khách thể như nhân vật trong truyện, kịch, kí, mà xây dựng hình tượng của bản thân dòng ý thức, cảm xúc đang diễn ra.” Nghĩa là bản thân hình tượng các nhân vật trong thơ, tự nó vốn không mang ý nghĩa của một số phận trong tính toàn diện, không nhằm khái quát nên một loại người, một số đông, hay một cuộc đời như nhân vật của truyện ngắn hay tiểu thuyết (trừ truyện thơ là một thể loại có tính chất giao thoa). Nhân vật trữ tình trong thơ là nhân vật của những trạng thái, những tình cảm, cảm xúc được nhà thơ hóa thân để gửi vào trong tác phẩm. Lịch sử văn học đã chứng minh, những bài thơ có sức sống lâu bền là những tác phẩm mà ở đó, những tình cảm, cảm xúc, những cung bậc trạng thái của nhân sinh được hiển hiện lên trong tâm hồn, trong suy nghĩ, tình cảm của một nhân vật.
Thơ Nguyễn Bính có thể đi khắp làng quê ra đô thị, có thể rung động người trẻ lẫn người già, người nữ lẫn người nam, cả người ít chữ lẫn người nhiều chữ.” [1, 259] Một trong những lí do khiến cho thơ Nguyễn Bính có thể chạm vào trái tim nhiều thế hệ độc giả đến vậy là bởi người đọc tìm thấy được ở đó sự đồng cảm, hay nói đúng hơn, là thấy được trong tâm hồn nhân vật của Nguyễn Bính một mảnh tâm hồn mình. “Có ai sống được mà không yêu”, thì cũng mấy ai mà chưa từng trải qua, hoặc là nỗi tương tư tha thiết, hoặc là nhớ mong, hoặc là ôm một giấc mộng tình yêu mãi chẳng thành...Tất cả những điều đó đều có thể tìm thấy trong tâm hồn mỗi con người chúng ta lẫn trong thơ Nguyễn Bính. Trong thơ Nguyễn Bính, tất cả những điều ấy tập hợp và thống nhất tạo nên “hình tượng con người lỡ dở”.
Nhà thơ Nguyễn Bính và hình tượng con người lỡ dở
“Con người lỡ dở” không phải là một nhân vật, mà là một loại nhân vật, một kiểu nhân vật trong thơ Nguyễn Bính. Đó có thể là một chàng trai thôn quê ôm giấc mộng tình yêu trong nỗi tương tư, có thể là cô gái gửi gắm niềm hi vọng trong cơn mưa xuân và hội chèo làng Đặng, có thể là anh lái đò, là cô hàng xóm,... là tất cả những con người đời thường quanh ta, và đôi khi là chính chúng ta. Con người lỡ dở ấy hiện hình trong những cuộc chia ly, những mặc cảm xa cách; hay lỡ dở trên hành trình từ thị thành tới thôn quê; hay lỡ dở khi ôm ấp một giấc mộng tình yêu không thành…
Đọc thơ Nguyễn Bính, vì thế, đôi khi bài thơ kết thúc rồi mà vang đọng lại vẫn là một cái gì vừa nhớ, vừa mong, vừa đợi lẫn chờ, vừa hi vọng đan xen thất vọng. Vọng lại là một chữ tiếc mà thôi:
“Mười hai bến nước xa lăng lắc
Lầm tự ngày xưa, lỡ tới giờ…”
Đọc tiếp: Hình tượng con người lỡ dở trong thơ Nguyễn Bính phần 2