Hình tượng con người lỡ dở trong thơ Nguyễn Bính phần 2

Hình tượng con người lỡ dở trong thơ Nguyễn Bính phần 2

Bởi Học văn cô Hà Huyền 17/09/2024

Hình tượng con người lỡ dở trong thơ Nguyễn Bính

Con người lỡ dở trong cuộc hành trình từ thôn quê đến thị thành (sự nghiệp dở dang)

Theo nhà phê bình Đỗ Lai Thúy, “Nguyễn Bính tuy không sinh ra trong một gia đình nông dân, làm ruộng nhưng sống gia truyền ở nông thôn, nên là một “thôn dân”, một nhà quê, kẻ quê theo cái nghĩa đối lập với “thị dân”, kẻ chợ. Cuộc sống thị dân hiện đại tuy lạ lẫm với người nhà quê, ít nhiều được giáo dục kiểu cũ như Nguyễn Bính, nhưng ánh sáng, và cả bóng tối của nó nữa, không phải là không hấp dẫn hồn thơ trẻ”:

Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh

Tôi đi dan díu với kinh thành

Nguyễn Bính coi hành động bỏ lại vườn cam, mái gianh để đến với kinh thành là chuyện “lỡ bước sang ngang”, và tự coi phận mình là “kiếp con chim lìa đàn”. Hai chữ “lìa đàn” dường như đã trở thành một ám ảnh trong tâm hồn Nguyễn Bính. Sự tiếp xúc, va đập giữa nông thôn và thành thị như đôi bờ tư tưởng, cứ vọng đi vọng lại trong thơ ông, tạo nên những tác phẩm mang trong đó nỗi nhớ da diết, khát vọng trở về, và cả mặc cảm ra đi. Gọi là mặc cảm bởi lẽ khi Nguyễn Bính dùng từ “dan díu” với kinh thành, tự nó đã mang hàm ý của một cái gì dường như là phản bội, dường như là quay lưng với những điều mình vẫn luôn gắn bó, luôn yêu quý, trân trọng chỉ bởi vì bị hấp dẫn bởi một thứ gì khác, mới mẻ hơn. Khuôn mặt thị thành trong thơ Nguyễn Bính vì thế thường gắn với những gì dễ đổi thay, tạo cho con người cảm giác bơ vơ, lạc loài:

Rời ra những ngón tay xinh

Tàu đi ánh sáng kinh thàn h bừng lên

Nơi này chẳng có ai quen

Nhớ nhung xin gửi tới miền lầu cao

Thương như thế, nhớ làm sao!

Kinh thành biết có mưa rào đêm nay?

Hồn đơn phách quế đắng cay

Có ai buồn nhớ nơi này nữa không?”

 (Đêm mưa nhớ bạn)

Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương luôn đau đáu trong thơ Nguyễn Bính một  khao khát trở về. Niềm khao khát ấy lại càng mãnh liệt hơn, day dứt hơn mỗi khi Tết đến xuân về. Trong tâm thức người Việt tự bao đời nay, mùa xuân là mùa của sự sống ấm áp, của đoàn viên, của trở về, của không khí gia đình đầm ấm. Có lẽ vì thế mà hơn ai hết, những người con xa xứ, những kẻ lữ thứ là đối tượng nhạy cảm nhất với mùa xuân. Họ vừa mong mỏi vừa chẳng mong xuân đến. Bởi lẽ xuân đến mà chẳng được đoàn viên thì nỗi nhớ, nỗi mong cùng niềm khao khát chỉ càng nhân lên gấp bội. Có thể tìm thấy trong thơ Nguyễn Bính biết bao là xuân gắn với nhớ thương: Xuân nhớ, Xuân thương nhớ, Xuân về nhớ cố hương, Xuân tha hương, Xuân vẫn tha hương (tên các bài thơ). Mùa xuân thường gắn với cảm thức vui vầy, đoàn tụ thì nay lại xa cách đến lạnh lùng:

“Sao chẳng về đây, nỡ lạc loài

Giữa nơi thành thị gió mưa phai

Chết dần từng nấc, rồi mai mốt

Chết cả mùa xuân, chết cả đời?

 (Sao chẳng về đây?)

Mặc dầu buồn là thế, nhớ nhung là thế, thậm chí đôi khi có hơi bi lụy: “chết dần từng nấc”, “chết cả mùa xuân”, “chết cả đời”, “xuân không đến”..., nhưng thẳm sâu trong tâm hồn “người nhà quê” ấy (và hẳn là trong mỗi người đọc chúng ta nữa), vẫn cứ ôm ấp một niềm hi vọng ngày trở về, ngày được hưởng niềm vui của sum họp, của tình thân:

Tết này chưa chắc em về được

Em gửi về đây một tấm lòng

Chao ơi, Tết đến em không được

Trông thấy quê hươn g thật não nùng

Ai bảo mắc duyên vào bút mực

Sòng đời mang lấy số long đong

(Xuân tha hương)

Càng nhớ, càng khát khao trở về thì lại càng mắc rối tơ lòng trong mặc cảm lỡ dở của thân phận “trót ra đi”. Ra đi mà chẳng làm nên chuyện, ra đi để rồi trở nên lạc lõng, bơ vơ nơi thị thành vốn không thuộc về mình, ra đi mà chỉ khắc khoải trở về mà cũng chưa trở về đặng. Ai bảo ra đi để rồi gánh lấy “nợ đời”, “số long đong”:Cuộc cờ lỡ pháo, lầm xe/ Quyết tâm phá bí ai dè vẫn thua.”(Nam Kỳ cũng gió cũng mưa).

Mặc cảm trong hiện tại lạc lõng, bơ vơ nơi thành thị, nhân vật lỡ dở ấy lại quay về, lại ôm ấp hình ảnh của làng quê như cánh diều níu vào mặt đất tìm nơi neo lại, để khỏi trôi dạt, bơ vơ. Hình ảnh làng quê hiện lên trong tâm thức người ra đi, vì thế càng trở nên tươi đẹp, nên thơ, có khi như giấc mộng đẹp:

“Nhà tôi có một vườn dâu,

Có giàn đỗ ván, có ao cấy cần.

Hoa đỗ ván nở mùa xuân,

Lứa dâu tháng thán g, lứa cần năm năm.

Em tôi là gái mười lăm,

Quét sân, chạy chợ, chăn tằm sớm trưa.

Thầy tôi dạy học chữ nho,

Dạy dăm ba đứa học trò loanh quanh.

Có gì, tiếng cả nhà thanh,

Cơm ăn đủ bữa, áo lành đủ thay.”

(Nhà tôi)

Một “cánh chim lìa đàn” trở thành ám ảnh trong thơ Nguyễn Bính. Cánh chim ấy càng bay cao, bay xa khỏi làng quê càng khao khát quay về trong sự cô đơn, lạc lõng. Nếu cảnh xuân nơi đất khách càng tô đậm hơn nỗi khắc khoải nhớ quê và khao khát trở về thì cảnh xuân nơi làng quê, dù chỉ còn trong tâm tưởng, cũng lại cứ hiện lên, đẹp, bình yên hơn bao giờ hết:

“Đã thấy xuân về với gió đông.

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời đôi mắtt trong.

(Xuân về)

Có thể thấy rằng hình ảnh quê hương, nhất là quê hương trong mùa xuân đã trở nên một bức tranh trong tâm tưởng - đẹp, đầy sức sống, nhưng vọng tưởng và đầy hoài niệm. Mùa xuân ấy là những gì son sẻ, tinh khôi, là ước hẹn sự sống (gái chưa chồng, đôi mắt trong, từng đàn con trẻ, nắng mới hoe, lá nõn nhành non…). Mùa xuân ấy là thân thương, là sự trở về, là không gian văn hóa mà “người nhà quê” ấy vốn thuộc về, vốn tìm thấy mình ở trong đó và chỉ ở đó; giống như Vũ Bằng da diết nhớ “mùa xuân của tôi”: “Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió làn h lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng”. Chẳng thế mà “em” chỉ vừa mới “đi tỉnh về”, vừa mới thoáng vài ba sự thay đổi cũng đã đủ “làm khổ tôi”:

“Hôm qua em đi tỉnh về

Đợi em ở mãi con đê đầu làng

Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng

Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!”

“Đi tỉnh” cũng giống như bỏ lại vườn cam, bỏ mái gianh để rồi “đi dan díu với kinh thành” vậy; nó gắn với cảm thức của thành thị, của những cái xa lạ, cái đổi thay. Mà làng quê Việt Nam, trong cái gốc văn hóa nông nghiệp trồng trọt, đề cao “an cư lạc nghiệp” vốn tự nó mang trong mình bản tính “tĩnh”, luôn gắn bó với những giá trị truyền thống, ngại những gì thay đổi, thậm chí e sợ trước mỗi sự thay đổi:

“Nào đâu cái yếm lụa sồi?

Cái dây lưng đũi nhuộm hồi san g xuân?

Nào đâu cái áo tứ thân?

Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em

Van em em hãy giữ nguyên quê mùa

Như hôm em đi lễ chùa

Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nộii bay đi ít nhiều”

(Chân quê)

Cái “van em” của chàng trai chẳng phải là minh chứng rõ ràng nhất cho nỗi lo, nỗi sợ “em” rồi cũng sẽ thay đổi, sẽ rời bỏ hay sao? Và trong mỗi chúng ta, mang trong mình cái gốc nông nghiệp lúa nước truyền đời, ai dám phủ nhận rằng ít nhiều đều có bóng dáng của một “người nhà quê”? Nhân vật con người lỡ dở trong thơ Nguyễn Bính là con người gặp trắc trở, bơ vơ trên hành trình từ thôn quê ra đến thành thị, để rồi cứ mãi mong, mãi nhớ về quê hương, về quá khứ, mãi ôm ấp những hình ảnh thật đẹp, thật yên bình của miền quê, đối lập với cái xa lạ của thành thị. Quê hương mà con người ấy luôn hướng về không chỉ có cảnh quê, người quê mà còn cả tình quê, cả cách ăn nói, cả điệu hồn người dân quê.

Đọc tiếp: Hình tượng con người lỡ dở trong thơ Nguyễn Bính phần 3

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22