Con người lỡ dở trong tình yêu (duyên phận lỡ làng)
Nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Bính là những con người mang nhiều tâm sự trong tình yêu, mà bao trùm lên tất cả, ấy là mặc cảm về một tình yêu lỡ dở, về những mối duyên phận lỡ làng. Tình yêu ấy cũng như bao tình yêu tự ngàn xưa và mãi về sau, bắt đầu từ những giây phút tương tư. Mới đầu, chàng trai quê bước vào tương tư đúng với dáng điệu rụt rè của một “người nhà quê” - rụt rè đến độ chẳng dám đối diện với tình cảm của chính mình:
“Cái gì như thể nhớ mong?
Nhớ nàng? Không! Quyết là không nhớ nàng!”
Rõ “Quyết là không nhớ nàng!”, nhưng tình yêu nào phải câu chuyện của lí trí. Nó là nhớ mong, là rung cảm thường trực - là “bệnh của tôi” ấy chứ:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một ngườii.
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.”
(Tương tư)
Đến đây thì chàng trai thôn quê cuối cùng cũng đã thật thà với tình cảm của chính mình, gọi được tên nó ra mà chẳng cần trốn tránh nữa. Nó là nhớ, là mong, là “tôi yêu nàng” đấy thôi.
Khát vọng gặp gỡ, nhớ mong đôi khi còn hóa thành mộng mơ, trao cho con người ta những hi vọng thật đẹp:
“Tước đay se võng nhuộm điều ta đi.
Tưng bừng vua mở khoa thi,
Tôi đỗ quan trạng, vinh quy về làn g.
Võng anh đi trước võng nàng…
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò…”
(Giấc mơ anh lái đò)
Anh lái đò là một hóa thân khác của nhà thơ khi truyền tải giấc mơ gặp gỡ - một giấc mơ thật đẹp, thật vẹn tròn, mang màu sắc của những câu chuyện “vinh quy bái tổ”. Từ chuyện anh lái đò chở cô gái sang bãi tước đay mà nghĩ đến sợi đay, rồi từ sợi đay lại nghĩ đến võng đay nhuộm điều - chiếc võng đại diện cho ước vọng vinh quy, ước vọng hạnh phúc: “Cả hai chiếc võng cùng sang một đò”. Song, mộng tưởng gặp hiện thực thì lại hóa bẽ bàng, sự va đập ấy khiến những giấc mơ trở nên tan vỡ:
Đồn rằng đám cưới cô to,
Nhà trai thuê chín chiếc đò đón dâu.
Nhà gái ăn chín nghìn cau,
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn…
Lang thang tôi dạm bán thuyền,
Có người trả chín quan tiền, lại thôi!
Qua đoạn thơ ngắn này, nhà thơ dùng chữ “chín” đến bốn lần (chín chiếc đò, chín nghìn cau, chín nghìn tiền cheo tiền cưới, chín quan tiền). Theo quan niệm của phương Đông và cũng là theo hệ số thập phân, 9 là con số lớn nhất của hàng đơn vị, nó chỉ thiếu 1 nữa là chuyển sang hàng khác, hàng chục, là trở nên ‘mười phân vẹn mười”. Số phận của anh lái đò dang dở có lẽ do thiếu con số 1 quan trọng đó chăng?
Giấc mơ quan trạng chẳng thành như anh lái đò cũng lỡ dở, dẫu nó thành hiện thực rồi thì cũng chẳng tránh khỏi lỡ dở trong chuyện tình. Quan trạng vinh quy, duy chỉ có một người “chạnh buồn”, ấy là cô gái: “Từ ngày cô chửa thành hôn/ Từ ngày anh khoá hã y còn hàn vi/ Thế rồi vua mở khoa thi/ Thế rồi quan Trạng vinh quy qua làng…”Những “từ ngày”, những “thế rồi” như những lời bâng quơ, như cố tìm một giọng khách quan nhất mà kể câu chuyện nhưng cũng chẳng thể tránh khỏi xót xa, hụt hẫng. Nguyễn Bính có lẽ là một trong những người viết nhiều nhất, hay nhất, thậm chí đến ám ảnh về sự lỡ dở. “Lỡ” mất nhau nghĩa là hụt đi cơ hội gặp gỡ, “dở” là tình yêu chưa đến độ thành chung. Phải chăng “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” bởi lẽ nếu đi tiếp sẽ vấp phải hiện thực, “dở” lại trở thành “lỡ” mất rồi.
Cô gái trong “Mưa xuân” cũng vì ôm ấp những mộng tưởng yêu thương mà hụt hẫng khi người yêu lỗi hẹn:
Chờ mãi anh sang anh chả sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Ðể cả mùa xuân cũng lỡ làng!
Vẫn là mưa xuân, nhưng khác với “mưa xuân phơi phới bay” mở đầu bài thơ, thì nay “mưa xuân đã ngại bay”; hoa xoan từ “lớp lớp rụng vơi đầy” giờ “đã nát dưới chân giày”, “có một thôi đê” ngắn mà giờ “có ngắn gì đâu một dải đê”... Tâm cảnh đối chiếu với ngoại cảnh, khiến cho ngoại cảnh giờ đây chất chứa đầy tâm sự, khiến “cả mùa xuân cũng lỡ làng”. Cái lỡ làng ấy hiển hiện trên “nước mắt đôi dòng”, cái lỡ làng khiến người ta vừa cảm thương, vừa nuối tiếc, vừa đồng điệu, nhất là những ai đã từng ôm ấp một mối tình đầu không trọn vẹn. “Bài thơ khép lại một lỡ làng. Nhưng bi kịch lỡ làng vẫn sẵn chờ thi sĩ trên cả mười hai bến nước của một đời thơ. Và tôi chắc rằng, mãi về sau nữa, mỗi lần đọc, “Mưa xuân” sẽ vẫn cứ rơi xuống lòng ta từng chấm lạnh như ngày nào.” (Chu Văn Sơn)
Đọc tiếp: Hình tượng con người lỡ dở trong thơ Nguyễn Bính phần 4