Đặc điểm của ngôn từ nghệ thuật trong truyện ngắn “Tôi thích làm vua” của Nguyễn Quang Sáng
Lời kể giàu tính tự truyện, bộc bạch
Truyện ngắn Tôi thích làm vua là dòng hồi ức của nhân vật tôi về câu chuyện tập một vở tuồng với nhóm bạn của mình. Tôi nhớ lại gánh hát ngày nào do người chú mời về xóm cù lao biểu diễn, nhớ nhất câu chuyện hai chú cháu phân vai đặc biệt là vai vua trong vở hát nọ. Kết thúc tác phẩm, tôi kể về hiện tại của bản thân, đồng thời bày tỏ suy nghĩ về mong muốn được “làm vua” thuở còn nhỏ của mình. “Tôi” là người kể chuyện, cũng chính là nhân vật người cháu. Có thể thấy ngay từ nhan đề của tác phẩm người kể chuyện đã tự xưng, tự giãi bày về mong muốn “làm vua” của mình.
Cốt truyện giản đơn, không có xung đột hay biến cố gì đặc biệt. Câu chuyện như lời tự bộc bạch của nhân vật “tôi”. Lời trần thuật của “tôi” trong truyện không chỉ đơn thuần là tường thuật lại sự việc như “Tôi sanh ra trên một cù lao giữa sông Tiền.”, “Năm đó, gánh nhổ neo đi rồi nhưng chú tôi còn nán lại chơi vài ngày với bà con.” mà còn được đan xen với suy nghĩ của nhân vật. Cùng với lời tự sự, nhà văn để chính người kể chuyện được bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình về các sự việc diễn ra ví như “Nghe chú giảng giải, tôi không chối cãi vào đâu, vai vua không thể ai khác ngoài thằng Đực, đúng lắm, nhưng vẫn thấy thằng Đực có số hên.” hay “Tiếc thay, bây giờ quanh tôi vẫn còn có người thích làm vua.”. Vì thế, đọc truyện ta có cảm giác như đang nghe lời tự thuật, tự giãi bày suy nghĩ của nhân vật “tôi”. Người kể thuật lại một cách tự nhiên, chân thật, gần gũi như đang thổ lộ với bạn đọc. Khoảng cách giữa người kể chuyện và bạn đọc do đó được kéo gần lại.
Ngôn ngữ mang ý nghĩa diễn tả sự đối lập
Có thể nói, toàn bộ truyện ngắn “Tôi thích làm vua” được xây dựng trên trục ngôn ngữ mang ý nghĩa đối lập. Đối lập giữa cái có và không có, giữa các vai diễn trong vở hát với con người đời thực, giữa suy nghĩ của tôi và người chú, đối lập giữa sân khấu và cuộc đời, thậm chí đối lập với chính tôi khi còn bé và sau này trưởng thành.
Mở đầu tác phẩm nhà văn lấy cái không có để làm nổi bật cái có của xóm cù lao “cù lao của tôi chỉ thua nơi khác là không có xe hơi nhưng có xe ngựa, xuồng ghe thì không đâu bằng.”, tàu hỏa không có “nhưng ngày nào lũ trẻ cũng thấy tàu chạy lên chạy xuống”; lấy cái có để làm nổi bật cái không có của vùng đất này: “Cù lao có đến ba làng Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa” nhưng “ba làng nhập lại chẳng ra làng nào.”, cù lao đủ đầy về vật chất có trường, có chợ, có tàu, có ghe,… có “người mê hát đến nỗi bị chìm xuồng chết trôi” nhưng lại thiếu về đời sống tinh thần - “thiếu nhất là không được xem hát.”
Hay trong một vở hát, người chú tập cho lũ trẻ tất cả các vai quan, quân, vai trung, vai nịnh, vai ái khanh nhưng “Tôi chờ hoài mà không thấy chú tập vai vua”. Trong suy nghĩ của tôi vai vua quan trọng lắm nhưng thực tế lại không thấy chú tập cho, vai vua uy nghi, hoành tráng lắm nhưng người chú lại giao cho thằng Đực – một đứa bé khờ, chẳng làm nổi việc gì. Nếu khi còn nhỏ, tôi “thích làm vua” nhưng ở phần cuối truyện, khi vào nghề đạo diễn tôi lại thấy “Tiếc thay, bây giờ quanh tôi vẫn còn có người thích làm vua.”
Để diễn tả ý nghĩa đối lập, nhà văn sử dụng rất nhiều những cặp từ trái nghĩa như có – không, có – thiếu, vắng. Bên cạnh từ ngữ mang ý nghĩa khẳng định, tác giả sử dụng nhiều cách diễn đạt thể hiện ý phủ định như “không được…, làm sao được…, tiếc thay…” Chính cách diễn đạt mang ý nghĩa đối lập này đã tạo nên tính đối thoại cho truyện ngắn “Tôi thích làm vua.”
Đọc tiếp: Đặc sắc ngôn từ nghệ thuật trong Tôi thích làm vua phần 3