Ngôn ngữ mang tính đối thoại, triết lí
Đặc điểm này được thể hiện rõ nhất qua đoạn đối thoại giữa nhân vật “tôi” với người chú của mình. Khi người chú hỏi tôi “Hồi chiều tập qua mấy vai con thích vai nào?”. Tôi đã nghĩ mình là con cháu nên sẽ được chú ưu ái hơn và chẳng ngần ngại trả lời “Con thích làm vua.” Vì trong suy nghĩ của tôi – một đứa trẻ khi ấy làm vua thì oai lắm “được mặc áo con rồng, được đội mão vàng, được ngồi trên cao…”, làm vua thì “nhứt hô bá ứng, muốn xử ai thì xử, muốn gì được nấy…”. Vua là người đứng đầu thiên hạ nên là người quan trọng nhất, được nhiều người ngưỡng mộ nhất. Thế nhưng, người chú lại cười: “Làm vua?...Không được, vai vua để cho thằng Đực.” Chính quyết định này đã khiến tôi ngạc nhiên vô cùng. Bởi lẽ: “Thằng Đực là thằng ngu” – nó là thằng bé khờ nhất trong đám bạn, nó không biết vui cũng chẳng biết buồn, không biết hát cũng không biết múa, nó chỉ ngồi đực ra đấy nên là “Nó làm vua sao được?”. Nhưng “Chính vì vậy nó mới làm vua.” – “… làm vua, chỉ việc ngồi sẵn đó, màn kéo ra, đã thấy mặt nó rồi. Nó chỉ có việc vuốt râu, cầm cái ấn gõ xuống bàn, “quân bây” với “ái khanh”, vậy là vừa với cái sức của thằng Đực”. Hóa ra, ông vua trong thực tế mang trong mình trọng trách là thế nhưng trên sân khấu tuồng thì lại là con người vô dụng và thừa thãi nhất. Hóa ra, người đứng đầu thiên hạ lại là người chẳng làm nổi việc gì. Câu hỏi của tôi “Nó làm vua sao được?” và câu hỏi của người chú “Sao con thích làm vua?” không chỉ là lời đối thoại giữa hai nhân vật mà còn là sự đối thoại của tác giả với bạn đọc, là sự chất vấn của nhà văn với những quan niệm xưa cũ. Để rồi, với tôi cuộc trò chuyện ấy trở thành bài học vỡ lòng trong cuộc đời làm sân khấu: “Ai là người thực cho cuộc đời, ai là người cho sân khấu?”.
Tính triết lí của ngôn từ còn được thể hiện rõ trong lời thoại của nhân vật người chú khi giảng giải cho “tôi” nghe về các vai diễn trong một vở tuồng “nếu đóng vai nịnh thì phải biết luồn lọt, phải biết lời ong tiếng ve để làm xiêu lòng bề trên, để đổi trắng thay đen, để được vinh thân phì gia, làm được vậy đâu có dễ… Nếu đóng vai trung thì phải trung thực, dám nói thẳng với vua lời lẽ ngay thẳng, cuộc đời phải chịu nỗi oan… Làm cho người ta khóc đã khó, làm cho người ta cười lại càng khó hơn. Làm cho người ta cười để người ta quên đi cái cuộc đời cơ cực, dù là giây phút cũng có ích cho đời…” Lời nói của người chú vừa là kiến thức sân khấu của một người “thầy hát” “đọc nhiều sách Tàu, biết nhiều tuồng tích”, nhưng cũng là sự chiêm nghiệm về cuộc đời của một người từng trải, một người nhiệt thành với nghề sân khấu đến nỗi “bỏ nhà đi hoang”. Nhân vật người chú đang nói lên những triết lí về những vai tuồng trên sân khấu và cuộc đời: từ vai nịnh, vai bi, vai hài, vai quan hay vai quân đều khó vào vai, đều quan trọng, đều có ích nhưng chẳng ai khao khát, vai vua – một vai phù hợp với một đứa trẻ khờ, một thằng ngu nhưng lại là ước mơ của nhiều người trong cuộc đời. Vua trên sân khấu và vua ngoài đời thật thực chẳng giống nhau.
Truyện ngắn được ra đời sau năm 1986, khi chiến tranh đã khép lại, đất nước bước vào thời kì đổi mới. Cuộc sống thời hậu chiến có rất nhiều sự thay đổi, nó khiến ta phải nhìn nhận lại các giá trị, các quan niệm xưa cũ liệu có còn phù hợp với thời đại mới. “Tôi thích làm vua” là sự nhận thức lại như thế của nhà văn.
Đọc tiếp: Đặc sắc ngôn từ nghệ thuật trong Tôi thích làm vua phần 4