Cuộc chạm trán trên đại dương từ góc độ thể loại phần 4

Cuộc chạm trán trên đại dương từ góc độ thể loại phần 4

Bởi Học văn cô Hà Huyền 04/11/2024

Về thi pháp, kết cấu đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện sự thống nhất chặt chẽ giữa chủ đề và tư tưởng với hệ thống tính cách nhân vật. Kết cấu của truyện khoa học viễn tưởng tương đối phức tạp, nó đan xen các mốc thời gian, không gian khác nhau chồng lấn lên. Đối với văn bản này, kết cấu truyện có sự đan xen giữa các sự kiện mang tính phỏng đoán, cụ thể như: tôi nghi ngờ ngay khi phát tên của tôi không đâm thủng được da con quái vật, nếu đúng là một chiếc tàu thì nhất định phải có máy móc làm nó chuyển động và người điều khiển,… Kết cấu là một yếu tố hình thức, nó có vai trò trong khẳng định thực hiện nhiệm vụ đối với các yếu tố của nội dung tác phẩm như chủ đề, tư tưởng, tính cách cốt truyện và các yếu tố ngoài cốt truyện… Trong văn bản, các sự việc lần lượt như sau: Đoàn thủy thủ chờ đợi sự xuất hiện của con cá thiết kình; Cuộc đuổi bắt con cá của tàu chiến diễn ra căng thẳng nhưng tốc độ của chiếc tàu không theo kịp con cá; Mọi người bị quật ngã văng xuống biển khi Nét phóng mũi lao sắt vào lưng con cá thiết kình; Giáo sư và những cộng sự ở trên lưng con cá thiết kình; Mọi người nhận ra đây không phải là quái vật hay cá thiết kình mà là “một hiện tượng kì diệu hơn, do bàn tay của con người tạo ra”; Chiếc tàu ngầm từ từ lặn xuống, cuộc gặp gỡ giữa giáo sư, các cộng sự và những người bên trong tàu ngầm bí hiểm bắt đầu. Trong các sự kiện này đan xen đoạn hội thoại bày tỏ suy nghĩ của nhân vật, đặc biệt, kết nối những hiểu biết đã có của vị giáo sư. Bởi vậy, các mốc thời gian nhập nhằng, dễ bị nhầm lẫn giữa hiện thực và thế giới tương lai.

Khi nhắc đến thi pháp học, hệ thống nhân vật trong văn bản là một yếu tố góp phần tạo nên tính chặt chẽ của văn bản. Nhân vật trong "Cuộc chạm trán trên đại dương" là nhà khoa học Pi-e A-rôn-nác, chuyên gia nghiên cứu về tự nhiên và hai cộng sự của ông trên con tàu ngầm Nau-ti-luýt của thuyền trưởng Nê-mô. Nhân vật hiện lên theo lối tả thực, không ngoa dụ và là nhân vật chức năng. Với nhân vật là giáo sư A-rôn-nác, tác giả khắc họa từng hành động, suy nghĩ và phán đoán của giáo sư, thể hiện rõ là một nhà khoa học thông minh, ham khám phá. Lối tả thực, không ngoa dụ khiến nhân vật giáo sư trong phút ngắn đã hiện ra khá chi tiết: các ngón tay cứng đờ, môi mím chặt, …Qua đó cho thấy dụng ý của tác giả không chỉ qua lời thoại mà ngoại hình đã nói lên tính cách của nhân vật. Đặc biệt, trong văn bản, tác giả xây dựng điểm nhìn nhân vật và người kể chuyện là nhân vật vị giáo sư. Nhờ có điểm nhìn nhân vật như vậy, tác giả tạo nên sự khách quan khi đưa ra các gợi ý về khoa học, những cơ sở khoa học để sáng tác tác phẩm văn học này. Người kể chuyện ngôi thứ nhất, đồng thời là vị giáo sư, trực tiếp xuất hiện và tham gia vào diễn biến cốt truyện. Vì thế câu chuyện về chiếc tàu ngầm tối tân được kể lại mang tính khoa học cao. Những kiến thức hay lập luận của nhân vật người kể chuyện về các vấn đề kĩ thuật, công nghệ và đại dương vừa đảm bảo tính chính xác và tuân theo lôgic khoa học, vừa đảm bảo sức hấp dẫn nhờ trí tưởng tượng phong phú của nhà văn. Nếu để Nét Len hay Công-xây đảm nhiệm chức năng người kể chuyện thì câu chuyện sẽ thiếu đi sức hấp dẫn của những kiến thức uyên bác về kĩ thuật và thế giới tự nhiên qua điểm nhìn của một nhà khoa học. Các câu thoại của nhân vật đời thường, ngắn gọn, tránh lối ngôn ngữ cầu kỳ, diêm dúa và vô cùng logic. Ngôn ngữ của các nhà khoa học từ lời thoại của các nhân vật. Các yếu tố khoa học xuất hiện thông qua các câu văn thể hiện tư duy lôgic đặc trưng (những phán đoán của giáo sư A-rôn-nác – người kể chuyện – về chiếc tàu ngầm) đã góp phần tạo nên tính hấp dẫn và thực tế cho câu chuyện.

Từ việc phân tích đặc trưng thể loại, chúng ta có hướng tiếp cận đúng đắn, hiểu văn bản sâu sắc, hiểu rõ tư duy nghệ thuật, giải mã được tư duy nghệ thuật mà tác giả muốn truyền tải. Ý nghĩa thứ hai của việc nghiên cứu thi pháp học đối với văn bản là thực hiện nhiệm vụ của văn chương, khám phá văn bản. Văn chương là cầu nối truyền tải thông tin bằng cách riêng của nó. Những nguyên tắc thể loại, các quy ước của thể loại tạo nên một bức tranh thế giới: nhân vật, xung đột, biến cố, sự việc cao trào, thông điệp gửi gắm. Đồng thời, ngôn ngữ là công cụ giao tiếp qua hệ thống ký hiệu như chúng tôi đề cập ở trên. Nó mang thông tin nhưng cũng cần giải mã thông tin từ các tín hiệu nghệ thuật đó. Văn học thường cần có cách giải mã riêng bởi nó chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khác như: mục đích sáng tác, liên văn hóa, ký hiệu ngôn ngữ… Bởi vậy, bài nghiên cứu chỉ mới là một kiến giải cho hướng khai thác tác phẩm văn học theo đặc trưng thể loại, cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cách tiếp cận.

PHẦN KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Dạy học đọc hiểu theo thể loại và kiểu văn bản là yêu cầu cơ bản và quan trọng của việc học văn học. Mỗi giáo viên cần lựa chọn cách tiếp cận văn bản phù hợp để từ đó góp phần hình thành và phát triển cho học sinh năng lực đọc, khả năng tự đọc hiểu; trang bị cho học sinh các công cụ để tiếp tục đọc và học suốt đời. Cách thức phân tích tác phẩm theo thi pháp học bám sát vào văn bản là chính, tránh cách dẫn khuôn mẫu, tự phán đoán hay tự đưa ra các kết luận vô căn cứ qua phân tích sáo rỗng. Thi pháp học chỉ chú ý đến những yếu tố hình thức tác phẩm như: hình tượng nhân vật - không gian - thời gian, kết cấu - cốt truyện - điểm nhìn, ngôn ngữ, thể loại... Dạy Văn theo hướng thi pháp học nghĩa là nghiêng về phân tích hình thức nghệ thuật tác phẩm. Từ đó, tác giả đưa ra một số lưu ý cách đọc văn bản thuộc thể loại truyện khoa học viễn tưởng

Truyện khoa học viễn tưởng thuộc thể loại truyện nên cách đọc có nhiều điểm tương tự như đọc truyện, cụ thể:

Tóm tắt các sự việc để hiểu cốt truyện;

Xác định ngôi kể

Tìm hiểu tính cách nhân vật thông qua các chi tiết miêu tả ngoại hình, hành động, ngôn ngữ, ý nghĩ, mối quan hệ, lời người kể chuyện với từ đó rút ra những đặc điểm tính cách nhân vật;

Khai thác các yếu tố khoa học trong đề tài, sự kiện, cốt truyện; đồng thời các định yếu tố giả tưởng khi nhà văn xây dựng: không gian, thời gian, tình huống, sự kiện phi thực tế, các năng lực đặc biệt, khác thường của nhân vật.

Rút ra điều người viết muốn gửi đến người đọc.

Như vậy, từ một số phân tích trên, chúng tôi cho rằng: “Cuộc chạm trán trên đại dương” là một văn bản mang đầy đủ nét đặc trưng của truyện khoa học viễn tưởng. Qua việc phân tích trên, bài viết nhằm đem đến một gợi ý giải mã thể loại đối với truyện khoa học viễn tưởng của Giuyn Véc-nơ qua vận dụng thi pháp học. Đồng thời, đây chính là một lát cắt để giải mã thể loại văn học trên tiến trình phát triển thể loại văn học.

Đọc tiếp: Cuộc chạm trán trên đại dương từ góc độ thể loại phần 1

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22