Tóm tắt: Việc dạy học theo đặc trưng thể loại là một trong những yêu cầu cơ bản trong việc tổ chức dạy học Ngữ văn. Đối với chương trình phổ thông 2018, việc phát triển năng lực đọc hiểu cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, yêu cầu người dạy có phương pháp tổ chức cũng như nền tảng văn học sâu rộng. Để thiết kế, tổ chức được một tiết học đọc hiểu văn bản thu hút, sinh động, lấy học sinh làm trung tâm, người dạy có nhiều hướng triển khai; trong đó, việc tiếp cận văn bản văn học theo lối vận dụng thi pháp học được nhiều giáo viên đưa vào dạy học, song, các bài giảng chưa bám sát đặc trưng thể loại cũng như thể hiện rõ nét cách khai thác văn bản. Trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, tác giả đề xuất đưa thi pháp học vào việc dạy học văn bản khoa học viễn tưởng theo định hướng phát triển năng lực.
Từ khóa: thi pháp học; đánh giá năng lực; đọc hiểu; truyện khoa học viễn tưởng
PHẦN MỞ ĐẦU
Nhắc đến các hướng nghiên cứu văn học, không thể không kể đến thi pháp học. Thi pháp học ra đời và trở thành một trong số những hướng nghiên cứu văn học chủ yếu từ thế kỷ XX. Hướng nghiên cứu này dần phát triển và không ngừng khẳng định tinh thần nhân văn hiện đại của mình thông qua nhu cầu xây dựng nền thi pháp học hiện đại – xuất phát từ quan niệm cấu trúc, tính chỉnh thể và quá trình giải mã văn bản đó. Khi nghiên cứu các tác phẩm văn học, nhà nghiên cứu cần tập trung khám phá các cấu trúc thể hiện bản chất nghệ thuật của văn học. Có thể khẳng định rằng: việc nghiên cứu thi pháp học là một trong số những hướng nghiên cứu thu hút để làm rõ hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học. Việc phát triển nghiên cứu văn học chủ yếu phục vụ mục đích giáo dục, giảng dạy văn học cho các cá nhân có hiểu biết sâu sắc và cảm thụ văn học. Trên thực tế, thiết kế bài giảng văn học có nhiều khuynh hướng nghiên cứu khác nhau, song, trường phái nghiên cứu theo hướng thi pháp có những đặc trưng riêng biệt, gắn liền với mã thể loại và lí giải được cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học. Hướng nghiên cứu này có ưu thế khi đi sâu vào nội tại tác phẩm, có cơ sở nghiên cứu rõ ràng. Những giá trị khoa học nghiên cứu, xem xét một tác phẩm theo thể loại đang là xu hướng chung của nghiên cứu thi pháp học. Mối quan hệ giữa thi pháp học và giảng dạy văn học trong nhà trường là mối quan hệ gắn bó mật thiết, bổ sung cho nhau. Nghiên cứu văn học nhằm tạo cơ sở vững chắc, tiền đề cho việc đề xuất giảng dạy, hướng dẫn khai thác văn bản văn học đúng hướng, khoa học, có logic. Còn nhờ việc tổ chức giảng dạy, khai thác nội dung tác phẩm để từ đó phát hiện ra các tín hiệu nghệ thuật, những suy ngẫm từ người đọc để soi chiếu, lí giải văn bản một cách khách quan nhất.
Do đó, trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, tác giả đề xuất vận dụng thi pháp học vào việc dạy học văn bản “Cuộc chạm trán trên đại dương" (trích “Hai vạn dặm dưới đáy biển”) của Giuyn Véc-nơ theo định hướng phát triển năng lực.
Đọc tiếp: Cuộc chạm trán trên đại dương từ góc độ thể loại phần 2