PHẦN NỘI DUNG
Cơ sở lý thuyết về thi pháp học và thể loại truyện khoa học viễn tưởng
Thi pháp học nghiên cứu về các vấn đề thuộc về hình thức nghệ thuật. Rất nhiều nhà nghiên cứu về thi pháp học có thể kể đến như: V. Vinôgrađốp, M. Bakhtin, Đ. X. Likhachep, Tzvetan Tôđôrốp, M. khrapchenco… Nhắc đến thi pháp học, chúng ta hiểu đó là quá trình vận dụng phân tích những đặc trưng của văn học và hệ thống các nguyên tắc, biện pháp văn học, trong đó có phong cách nghệ thuật, thể loại văn học. Đây là hướng nghiên cứu rộng, có thể vận dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau, tuy nhiên, cần xây dựng cơ sở riêng, có kết cấu chặt chẽ và phân tích được mối quan hệ nội tại giữa ngôn từ và thủ pháp, hình thức và nội dung,…
Ngay trong thi pháp học, nhiều nhà nghiên cứu lựa chọn hướng tiếp cận, có nhiều quan niệm khác nhau. Song trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, tác giả muốn đề cập đến những đặc điểm về hình thức nghệ thuật gắn liền với đặc trưng thể loại khoa học viễn tưởng mà tác giả đã lựa chọn. Theo L. Vưgốtxki từng cho rằng: “nghệ thuật bắt đầu từ nơi mà hình thức bắt đầu”; Qua đó có thể hiểu hình thức là một sáng tác nghệ thuật để khơi nguồn cảm hứng, suy nghĩ và rung cảm của người thưởng thức. Bởi vậy, thi pháp học thực hiện nhiệm vụ khám phá hình thức nghệ thuật đó. Ngôn ngữ là yếu tố quan trọng của thi pháp học bởi văn học lấy chất liệu từ ngôn từ. Tác phẩm văn học luôn nằm trong những quy phạm nhất định về hình thức văn học cụ thể. Đối với thể loại truyện khoa học viễn tưởng, thế giới nghệ thuật được xây dựng từ không gian và thời gian gắn với yếu tố khoa học, từ điểm nhìn nhân vật và lời thoại nhân vật. Thi pháp học trở thành hướng nghiên cứu đề xuất góp phần gợi ý cho người giảng dạy văn học có hướng tiếp cận phù hợp với văn bản. Hơn thế, người dạy văn cần hiểu được cấu trúc nội tại của văn bản văn học, từ đó tổ chức cho người học chiếm lĩnh đơn vị kiến thức, rèn luyện kỹ năng đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại, hiểu được kết cấu của tác phẩm văn học một cách sâu sắc hơn.
Truyện khoa học viễn tưởng là loại tác phẩm viết về thế giới tương lai dựa trên sự phát triển của khoa học dự đoán, thường có tính chất li kì. Truyện khoa học viễn tưởng thường sử dụng cách viết logic nhằm triển khai những ý tưởng về viễn cảnh hay công nghệ tương lai. Cần phân biệt truyện khoa học viễn tưởng và truyện giả tưởng bởi đặc điểm, tính chất khoa học trong truyện. Có thể xem truyện khoa học viễn tưởng là loại hình nghệ thuật mở ra cánh cửa mới đối với nền văn học Pháp khoảng nửa sau thế kỷ XIX, nó đã đặt những viên gạch đầu tiên cho văn học phương Tây sau này. Song, nghệ thuật nói chung hay văn học nói riêng không ngừng chuyển mình và bản thân nó đã có nhiều biến chuyển sâu sắc về mọi mặt: về mặt thi pháp (kết cấu, cách thức xây dựng, không gian, thời gian, nhân vật, ngôn ngữ …), về mặt nội dung (đối tượng phản ánh, khám phá trên cơ sở khoa học, ý nghĩa sự kiện…). Với những đặc trưng của thể loại truyện khoa học viễn tưởng, nó không chỉ có nhiều sự biến đổi nội tại tác phẩm mà còn là sự thay đổi về tư duy nghệ thuật, do hoàn cảnh xã hội chi phối, xuất hiện thêm nhiều nghiên cứu khoa học.
Từ những cơ sở lý thuyết nói trên, tác giả sẽ đi sâu phân tích một văn bản khoa học viễn tưởng nhằm đề xuất nên cách thức tổ chức đọc hiểu văn bản theo hướng phát triển năng lực qua góc nhìn thi pháp học. Người giảng văn có cơ sở để thiết kế một bài giảng theo mô hình thi pháp học. Khi đi vào phân tích văn bản theo thể loại khoa học viễn tưởng, kết cấu truyện kể này bám sát theo hai yếu tố: khoa học và tưởng tượng, viễn tưởng.
Đọc tiếp: Cuộc chạm trán trên đại dương từ góc độ thể loại phần 3