Con người tự chữa lành trong Đi qua hoa cúc phần 3

Con người tự chữa lành trong Đi qua hoa cúc phần 3

Bởi Học văn cô Hà Huyền 08/11/2024
  1.  

Con người tự chữa lành trong hành động

Hành động là một trong những yếu tố phản ánh chân thực nhất tính cách, ý nghĩ của nhân vật, thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn. Trong Đi qua hoa cúc, nhân vật không có quá nhiều những hành động gây xung đột cao trào nhưng nó cũng ngầm thúc đẩy cao trào của truyện lên đến đỉnh điểm và điển hình cho hình tượng con người tự chữa lành. Trường là nhân vật được khắc họa với chuỗi những hành động làm nảy sinh quan niệm nghệ thuật về con người tự chữa lành trong Đi qua hoa cúc, có thể nói đây là nhân vật chấn thương tâm lý và cũng phản chiếu sự chấn thương tâm lý của nhân vật Ngà.

Suy nghĩ và hành động của Trường khi phát hiện chuyện tình thầm lặng nảy nở giữa anh Điền và chị Ngà có sự tương thích với nhau. Trường dẫu sao cũng chỉ là cậu thiếu niên mới lớn, hành động theo bản năng cũng là điều dễ hiểu, nhất là khi cậu phát hiện mình bị giấu diếm, bị lừa dối, trở thành kẻ ngốc trong hạnh phúc của người khác. Vậy nhưng, Trường vẫn hành động rất vị tha, cậu cố gắng che giấu để hai đứa bạn láu cá cạnh nhà và tất cả mọi người trong gia đình không ai biết đến chỗ hò hẹn bí mật của chị Ngà và anh Điền – đây là một dấu hiệu cho sự tự chữa lành trong tâm hồn nhân vật. Nguyễn Nhật Ánh đã thể hiện một quan niệm nghệ thuật đầy tính cao cả về đạo đức, phẩm chất con người, đặc biệt là trong tình yêu – thứ tình cảm dễ dàng khiến con người ta đánh mất lí trí. Trường nhìn nhận ra vấn đề là tình yêu phải xuất phát từ cả hai phía, khi mình không trở thành sự lựa chọn của đối phương, không thể khiến đối phương hạnh phúc thì cũng không nên chấp niệm, chúc phúc cho người mà mình yêu thương cũng là chữa lành cho chính tâm hồn bị tổn thương của bản thân. Ở đây, độc giả tiếp nhận soi chiếu ra sự tự chữa lành liên quan đến đức hi sinh trong tình yêu, sự rộng lượng trong cách ứng xử của kẻ được yêu và kẻ không được yêu. Con người tự chữa lành chính là khi họ biết chấp nhận sự khổ đau của mình và suy nghĩ về nó theo chiều hướng lạc quan, đơn giản hóa vấn đề. Câu chuyện tình yêu đầu đời ngây dại của Trường vẫn là kí ức ám ảnh cậu rất nhiều năm sau đó nhưng không phải với sự tiếc nuối hay trách móc gì chị Ngà về sự lựa chọn dại dột của chị mà cậu chỉ tìm kiếm hi vọng về việc chị Ngà còn sống và mong muốn chị được chữa lành sau những đổ vỡ trong tình cảm. Trường là kẻ không được yêu, thuần túy mà nói theo bản năng thì cậu hoàn toàn có thể ích kỉ mà thù hận chị Ngà anh Điền khi họ xem cậu là phương tiện kết nối cho tình yêu vụng trộm của họ. Tuy nhiên, Trường đã không hành động theo cảm tính mà cậu hành động bằng con tim, bằng lí trí và sự tự chữa lành cho chính mình: cao thượng, bao dung bởi Trường biết chị Ngà cũng chỉ là nạn nhân của tình yêu. Hành động giúp đỡ, tha thứ và chúc phúc của nhân vật Trường chính là hiện hữu cho quan niệm nghệ thuật về con người tự chữa lành của Nguyễn Nhật Ánh: không trách móc, không vị kỉ, buông bỏ và cư xử nhân văn đối với những việc, những người khiến mình đau khổ, không được như ý muốn. Con người tự chữa lành trong văn học thực sự cần được khai thác và lan tỏa nhiều hơn trong tư tưởng của bạn đọc tiếp nhận vì nó mang giá trị của sự giáo dục, sự thức tỉnh trong nhận thức, hành động và nhân tính của con người. Qua đó, con người tự chữa lành cũng phần nào phản ánh tư tưởng khai thông sáng suốt của Đạo Phật, giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau đó là tự chữa lành những tổn thương trong tâm hồn bằng việc học cách buông bỏ chấp niệm, đừng mong cầu những thứ không thuộc về mình, sống độ lượng và không ghen ghét với hạnh phúc của người khác.

Kết luận

Con người tự chữa lànhquan niệm nghệ thuật về con người sâu sắc và mang tính nhân văn. Nguyễn Nhật Ánh và sáng tác của ông chủ yếu đều thể hiện được quan niệm này, cách xây dựng hình tượng nhân vật lạc quan, tự nhận thức và tự hoàn thiện. Đi qua hoa cúc là một trong số những truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh phản ánh hình tượng con người tự chữa lành, sau những tổn thương tinh thần, con người biết học cách chấp nhận và buông bỏ. Thi pháp học là một hướng nghiên cứu giàu tiềm năng, đặc biệt là quan niệm nghệ thuật về con người bởi nó sẽ bộc lộ cách mà nhà văn nhìn nhận về con người và cuộc sống, đánh giá được sự đóng góp của một tác giả đối với nền văn học. Con người tự chữa lành là một hệ quả của hàng loạt các quan niệm sau năm 1975, nó thể hiện tinh thần dân chủ và tư tưởng văn minh của cá nhân. Nghiên cứu quan niệm nghệ thuật về con ngườicon người tự chữa lành, cụ thể biểu hiện qua nhân vật trong truyện dài Đi qua hoa cúc – Nguyễn Nhật Ánh hi vọng sẽ đóng góp một hướng khai thác mới và khai thông nhận thức tư tưởng theo chiều hướng tích cực.

Đọc tiếp: Con người tự chữa lành trong Đi qua hoa cúc phần 1

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22